Không để nhà vệ sinh trường học là 'cơn ác mộng'
Các trường học đang cố gắng nâng cao chất lượng nhà vệ sinh (NVS) tại trường để học sinh có được môi trường sinh hoạt tốt hơn khi đến lớp.
Nhà vệ sinh là một trong những công trình thiết yếu ở các trường. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu cơ bản mà còn là tiêu chí quan trọng để đánh giá môi trường văn hóa, văn minh tại nơi học của trẻ.
Vì thế, việc kiểm tra, giám sát và cải thiện chất lượng NVS là một trong những vấn đề được đặt ra và theo sát. Ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng và lập kế hoạch cải tạo, cũng như xây dựng mới NVS. Ðặc biệt, phải chú trọng triển khai mô hình tự quản của giáo viên và học sinh đối với các công trình NVS, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường với việc giữ vệ sinh trường học.
Trên địa bàn TP Cà Mau, Phòng GD&ÐT thành phố đã liên tục tổ chức các buổi kiểm tra đột xuất tại các trường mầm non, tiểu học, THCS... kịp thời nhắc nhở và phê bình nhằm giúp hạn chế tình trạng xuống cấp chất lượng NVS gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Theo đánh giá ban đầu, các trường mầm non, mẫu giáo thực hiện tốt vấn đề này; các trường THCS cũng nằm ở diện tương đối. Thế nhưng, bất cập vẫn xảy ra ở các trường tiểu học.
Ông Tạ Ðức Hùng, Phó phòng GD&ÐT TP Cà Mau, cho biết: “Các trường trích kinh phí hoạt động hằng năm, khoản hoạt động thường xuyên để mua sắm vật tư, thiết bị... để tẩy rửa NVS; tùy theo quy mô trường lớp, số lượng học sinh để chi. Thời gian qua, chúng tôi đã đi kiểm tra nhiều trường để đánh động và tăng ý thức cho ban giám hiệu trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng NVS. Nói tốt thì chưa tốt hẳn, hiện chỉ ở mức tạm thời chấp nhận và phải quan tâm nhiều ở khâu khắc phục mùi hôi. Từng thời điểm, sau các giờ ra chơi vào, một số trường chưa có lao công kịp thời dọn dẹp nên gây mùi hôi, ảnh hưởng đến học sinh”.
Thời gian trước, NVS thường bị coi là công trình phụ, hiện tại nó phải là công trình chính cần được nghiêm túc quan tâm. Ðiều quan trọng là vai trò người đứng đầu, nếu có sự chú ý đúng mực vấn đề này thì chất lượng NVS sẽ ngày càng tốt hơn.
Thầy Lý Phùng Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (Phường 4, TP Cà Mau), cho biết: "Hiện nay nhà trường không kêu gọi phụ huynh hỗ trợ trong công tác xã hội hóa NVS. Tuy nhiên, các phụ huynh có nhã ý hỗ trợ thuốc tẩy, Clo, xà phòng... đặt trong NVS thì nhà trường rất cảm ơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng bố trí người dọn dẹp riêng cho NVS của giáo viên và học sinh. Chúng tôi hoàn toàn sử dụng kinh phí của nhà trường để thực hiện các vấn đề này. Ngoài ra, chúng tôi có đặt camera để xem các em sau khi đi vệ sinh có rửa tay hay không? Ngay chỗ rửa tay, chúng tôi cũng đặt bảng hướng dẫn vệ sinh đúng cách cho học sinh nắm, cũng như nhắc nhở kịp thời các em. Mỗi buổi chào cờ, chúng tôi đều nhắc nhở vấn đề NVS. Từ đó, khách hay phụ huynh đến trường, nếu có sử dụng NVS đều không e ngại vì không còn mùi khó chịu và rất sạch sẽ”.
Ðể nâng cao chất lượng các NVS trong trường học, cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng. Quan trọng nhất vẫn là chính các giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường cần có ý thức sử dụng và giữ gìn NVS sạch sẽ, nhằm hình thành nên môi trường trường học an toàn.
Ông Tạ Ðức Hùng cho biết, ngành giáo dục TP Cà Mau đang quyết tâm xóa bỏ các NVS kém chất lượng, gây mất an toàn cho học sinh trong thời gian tới: “Từ đây đến hết năm học, chúng tôi sẽ liên tục đi kiểm tra nhiều hơn và đột xuất, đặc biệt đối với các trường ở xã. Chúng ta không nên đối phó mà phải nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót để cải thiện chất lượng NVS, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con em chúng ta. Hiện có nhiều trường hoạt động xã hội hóa để giữ NVS sạch đẹp; phụ huynh rất đồng thuận, tặng cả máy phun nước, tặng hóa chất... để hỗ trợ nhà trường”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khong-de-nha-ve-sinh-truong-hoc-la-con-ac-mong--a35344.html