Không để phát sinh ổ dịch tại bệnh viện

Tính từ ngày 16-2 đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, nguy cơ ca bệnh mới xuất hiện và lây lan luôn hiện hữu, nhất là ở những cơ sở y tế, bệnh viện. Với quyết tâm không để phát sinh ổ dịch trong bệnh viện, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, ra quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của nhiều cơ sở không bảo đảm an toàn phòng dịch.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân và người nhà khai báo y tế điện tử tại Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Minh Quyết

6 ngày đình chỉ hoạt động 2 phòng khám

Hơn 1 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã giúp cho Bệnh viện Thanh Nhàn có thêm kinh nghiệm, phương pháp ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, lối ra, vào được bệnh viện bố trí theo quy trình 1 chiều. Khi bước vào cổng, người dân lập tức được kiểm tra thân nhiệt, sau đó di chuyển đến một trong 4 bàn kiểm tra việc khai báo y tế tại khu vực sàng lọc người bệnh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, bệnh viện đã bỏ việc khai báo y tế trên giấy, thay vào đó là phần mềm khai báo y tế ứng dụng QR-Code. Người dân trước khi đến bệnh viện có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR-Code để khai báo y tế. Như vậy, vừa tiết kiệm thời gian cho người bệnh, vừa giảm nhân lực bệnh viện so với khai báo y tế trên giấy trước đây. Hơn nữa, bệnh viện cũng nắm rõ tiền sử dịch tễ của người bệnh, bảo đảm việc sàng lọc hiệu quả hơn.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận từ 1.300 đến 1.400 người đến khám và khoảng 1.200 bệnh nhân nội trú. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, tại bệnh viện có những bệnh nhân rất nặng, mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm, nếu nhiễm thêm vi rút SARS-CoV-2, thì nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khu vực sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 được bố trí tách biệt hoàn toàn với khu điều trị người bệnh. Khi có bệnh nhân nghi ngờ sẽ xét nghiệm, điều trị luôn tại đây, không đưa vào phía trong bệnh viện, tránh việc lây nhiễm chéo.

Tương tự, với 42 khoa, phòng, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.800-2.000 người dân đến khám và điều trị, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đặt lên hàng đầu. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, không chỉ thường xuyên đánh giá các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, bệnh viện còn tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với các nhóm có nguy cơ cao.

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế. Qua kiểm tra cho thấy, các bệnh viện công lập triển khai công tác phòng, chống dịch bài bản và nghiêm túc hơn các cơ sở y tế tư nhân. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 5 đến 10-3), Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của phòng khám đa khoa trực thuộc Công ty TNHH Dịch vụ y tế An Thịnh (số 58 phố Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và phòng khám đa khoa ở số 77E phố Hai Bà Trưng (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì không bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra khu vực khám sàng lọc cho đối tượng nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Vũ Tuyết

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, đánh giá bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, bộ 37 tiêu chí bệnh viện an toàn chống dịch Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp. Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh song cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Chính vì vậy, khi đánh giá chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế tập trung vào “chấm điểm” nhiệm vụ chống dịch.

Để kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, bảo đảm khám, chữa bệnh an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, việc phát hiện sớm, phân luồng và cách ly người bệnh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của bệnh viện. Vì vậy, tại các bệnh viện phải duy trì, siết chặt việc quản lý người ra, vào. Sở Y tế Hà Nội đang tăng cường kiểm tra công tác này tại các bệnh viện, phòng khám. Nếu nơi nào lơ là, không tuân thủ biện pháp phòng dịch sẽ cho dừng hoạt động, kiên quyết xử lý kỷ luật các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Hơn 83% người bệnh mắc SARS-CoV-2 không có triệu chứng lâm sàng, do đó, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Đào Quang Minh cũng cho rằng, công tác sàng lọc người bệnh là vô cùng quan trọng. Nhân viên y tế phải hỏi rất kỹ tiền sử dịch tễ đi lại của người nhập viện. Nếu có ca nghi ngờ, đi về từ vùng dịch phải đưa ngay họ vào khu sàng lọc, chụp tim phổi, xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. “Để triển khai tốt việc sàng lọc, chúng tôi rất mong muốn người dân tích cực hợp tác, khai báo trung thực tiền sử dịch tễ của mình để cùng bệnh viện chung tay chống dịch”, ông Đào Quang Minh nói.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/993517/khong-de-phat-sinh-o-dich-tai-benh-vien