Không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo trong ban hành văn bản

Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 43 vừa qua.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về 7 dự án Luật: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và dự án Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Theo đó, với 6 dự án luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, UBTVQH đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý các dự thảo luật. UBTVQH đề nghị các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp và lưu ý đối với từng dự án cụ thể.

Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Trong đó, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBTVQH thống nhất giữ quy trình hiện hành về trách nhiệm chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý; không quy định cơ quan trình có trách nhiệm đề xuất nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, bổ sung một điều riêng quy định về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong việc tham gia thẩm tra về vấn đề dân tộc trong dự án, dự thảo và thống nhất với quy định về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, UBTVQH nêu rõ, nguyên tắc chung để xử lý trường hợp giữa các văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề là áp dụng quy định của văn bản ban hành sau.

Trường hợp có nội dung cần ưu tiên áp dụng văn bản ban hành trước thì phải xác định rõ nội dung đó trong văn bản ban hành sau để tránh chồng chéo. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan trình khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản.

Đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), UBTVQH nhất trí hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Cụ thể, UBTVQH về sự cần thiết ban hành và tên gọi của Luật là Luật Biên phòng Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo với quy định có liên quan trong các luật khác, nhất là phạm vi điều chỉnh của Luật Biên giới quốc gia, làm rõ khái niệm “Biên phòng”, rà soát nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng.

UBTVQH cũng đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định về Bộ đội Biên phòng, quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng cũng như xây dựng chế độ, chính sách đặc thù để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong đó, quy định rõ cơ chế phối hợp và phân định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác, nhất là Công an, Hải quan, Cảnh sát biển… Rà soát quy định về các biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng để phù hợp với tính chất, vai trò của từng lực lượng, những biện pháp liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong Luật.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-de-xay-ra-mau-thuan-chong-cheo-trong-ban-hanh-van-ban-187816.html