Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực

y là yêu cầu của Thành ủy Hà Nội tại Hướng dẫn số 01-HD/TU về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 - hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì một phiên họp của Đoàn.

Cụ thể, Thành ủy Hà Nội yêu cầu, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; "Nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ ( nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây).

Có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Thành ủy Hà Nội lưu ý: Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Hội đồng nhân dân các cấp.

Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ theo quy định của thành phố Hà Nội và các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.

Về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phải có trình độ đại học trở lên.

Về chức vụ: Ở cấp Thành phố, cán bộ ứng cử phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là Thành ủy viên trở lên (trong đó có 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy), đang giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trở lên.

Cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và được quy hoạch giám đốc sở hoặc tương đương trở lên.

Cán bộ ứng cử phó trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ trưởng phòng hoặc tương đương trong các sở, ban, ngành Thành phố trở lên và được quy hoạch Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên.

Ở cấp quận, huyện, thị xã: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách quận, huyện, thị xã phải là ủy viên ban chấp hành đảng bộ quận, huyện, thị xã; giữ chức vụ trưởng phòng hoặc tương đương trở lên, đã được quy hoạch phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trở lên.

Cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã phải giữ chức vụ phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên và được quy hoạch trưởng phòng hoặc tương đương trở lên.

Cán bộ ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 5 năm trở lên và đã được quy hoạch vào chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên của quận, huyện, thị xã.

Đối với những người dự kiến bố trí làm trưởng các ban Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-dua-vao-danh-sach-ung-cu-nguoi-co-bieu-hien-co-hoi-chinh-tri-tham-vong-quyen-luc-post118599.html