Không lạm dụng phụ gia thực phẩm

Sử dụng phụ gia là được phép trong chế biến thực phẩm, song các chuyên gia cảnh báo không nên lạm dụng các loại này vì có những tiềm ẩn với sức khỏe người dùng.

EU cấm sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm việc sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm, sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) nghi ngờ về tính an toàn của chất vốn được sử rộng rãi này.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm việc sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm.

E171 có chứa các hạt nano titanium dioxide và thường được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng, bao gồm cả thuốc và mỹ phẩm.

Lệnh cấm của EU liên quan đến việc sử dụng E171 làm chất phụ gia trong thực phẩm, trong đó E171 chủ yếu được dùng để làm trắng và tạo độ sáng trong đồ ngọt, kẹo cao su, nước sốt màu trắng và bột đường làm bánh.

Tháng 5 vừa qua, EFSA - có trụ sở tại Italy - đã phát hiện ra rằng các hạt nano có nguy cơ tổn thương ADN của con người và không thể đưa ra tiêu chuẩn an toàn đối với mức tiêu thụ hằng ngày của các hạt nano này.

Chính phủ Pháp đã đình chỉ việc sử dụng E171 trong thực phẩm vào năm 2020, sau khi các kết quả thí nghiệm cho thấy titanium dioxide có thể gây ra tổn thương tiền ung thư ở chuột.

Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ nếu đến cuối năm nay, không có bất kỳ quốc gia thành viên EU hoặc Nghị viện châu Âu (EP) phản đối, lệnh cấm sử dụng chất phụ gia E171 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2022.

Mặc dù vậy, lệnh cấm không có hiệu lực với ngành công nghiệp dược phẩm - cũng sử dụng E171 trong sản xuất thuốc - nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt các sản phẩm y tế.

Được biết, tại Hoa Kỳ, sử dụng thực tế của titanium dioxide trong các thực phẩm bổ sung và kẹo cứng và mềm đã được báo cáo cao nhất là 1%.

Sử dụng icings, kẹo cao su, khuôn đúc bánh kẹo, và bánh nướng thường dao động từ 0,02% đến 2% và trong những món ăn vặt mặn từ 0,05% đến 0,4%.

Nhật Bản liệt kê việc sử dụng nó như là một màu thực phẩm mà không có giới hạn, khác hơn so với quy định cụ thể một số thực phẩm nhất định trong đó không được phép…

Tại Việt Nam, theo danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 do Bộ Y tế ban hành, Titanium dioxide E171 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm trong số loại đang được phép sử dụng.

Titanium dioxide được sử dụng trong thực phẩm như là chất tạo đục, có hiệu quả cao như là một chất làm trắng cho bánh kẹo, kẹo cao su, những sản phẩm không có chất béo và chất béo thấp như kem cà phê, bánh nướng, pho mát, icings, toppings, thực phẩm bổ sung, làm trắng cà phê và kem đánh răng.

Khi kết hợp với các màu sắc khác có thể đạt được những sắc thái màu mềm mại. Titanium dioxide không hòa tan trong nước, các ứng dụng yêu cầu phân tán Titanium dioxide phải sử dụng loại dầu thực phẩm, propylene glycol, xi-rô đường, hoặc nước với chất làm đặc phù hợp.

Tuyệt đối không lạm dụng

Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng; giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng; tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường; kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.

Ngược lại, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe như gây ngộ độc cấp tính, nếu dùng quá liều cho phép.

Gây ngộ độc mạn tính khi dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục. Theo đó, một số phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài, đặc biệt nếu tiêu thụ phụ gia thực phẩm bị cấm.

Việc tích tụ quá lượng phụ gia thực phẩm có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút. Có nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, gây quái thai ở phụ nữ mang thai…

Được biết, trước khi một phụ gia thực phẩm mới được chấp nhận đưa ra sử dụng, nhà sản xuất phải thử nghiệm an toàn ở hai mức độ.

Thứ nhất, thử độc tính cấp xem có hay không tác dụng độc hại tức thì, bằng cách đưa chất đó vào cơ thể một con vật thí nghiệm và quan sát, sau đó thử trên hai nhóm súc vật với số lượng nhiều ít khác nhau trong vòng 90 ngày để quan sát độc tính;

Thứ hai, thử nghiệm độc tính mạn khi cho súc vật dùng liên tục trong 2 năm hoặc lâu hơn.

Nếu tất cả thử nghiệm đều không có tác dụng xấu thì chất ấy mới được đưa ra sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, với những chất bị nghi ngờ là có khả năng gây ung thư thì tuyệt đối không được sử dụng.

Không chỉ các phụ gia thực phẩm mới được sử dụng lần đầu phải được kiểm nghiệm sự an toàn và được cho phép của cơ quan y tế, mà phụ gia thực phẩm đã dùng từ lâu cũng thường xuyên được theo dõi xem có an toàn không.

Bởi vì trong môi trường và trong cách chế biến thực phẩm luôn làm cho thực phẩm bị nhiễm những tạp chất, thậm chí là những tạp chất rất độc hại cho sức khỏe con người như chì thủy ngân, asen (thạch tín)…

Con người vẫn có thể sử dụng những thực phẩm hay phụ gia thực phẩm bị nhiễm tạp chất độc hại nếu các loại tạp chất độc hại đó không vượt qua “ngưỡng cho phép”.

Vì thế, phụ gia thực phẩm đã dùng từ lâu nhưng vẫn phải thường xuyên được theo dõi. Nếu độc chất có trong phụ gia thực phẩm nhưng dưới mức gây hại, tức không vượt quá “ngưỡng cho phép”, con người vẫn có thể sử dụng được.

Tại Việt Nam, Luật An toàn thực phẩm, phụ gia thực phẩm là “chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”.

Theo GS.TS.Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại sẽ gây tác hại.

Chuyên gia cho hay, sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế.

Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Đối với người dân khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng, không nên ham rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc.

Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản...; hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc.

Ðối với thực phẩm đã chế biến, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia.

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể.

Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép, cũng nên dùng càng ít càng tốt, và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng.

"Phụ gia thực phẩm không phải là chất dinh dưỡng nên không có nó cũng không sao. Cảm giác ngon miệng với phụ gia thực phẩm thật ra là một thói quen, để hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm, cách đơn giản nhất là tập thói quen không sử dụng phụ gia", chuyên gia khuyến cáo.

Được biết, năm 2020 mục tiêu của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020” được Bộ Y tế đưa ra là vì sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-lam-dung-phu-gia-thuc-pham-d153237.html