Không phải lúc để thoát khỏi các quyết nghị của Liên hợp quốc

'Ông Netanyahu chớ quên rằng đất nước của ông được thành lập nhờ vào quyết nghị của Liên hợp quốc (LHQ). Vì vậy, giờ không phải lúc để Israel xem nhẹ quyết định của tổ chức này', Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu liên quan đến những hành động của Tel Aviv đối với LHQ thời gian gần đây cũng như về chiến dịch mở rộng chống lại Hezbollah của nước này ở Trung Đông.

Trong bối cảnh Israel tiếp tục phớt lờ kêu gọi của LHQ và cộng đồng quốc tế để mở rộng chiến dịch chống lại lực lượng Hezbollah thân Iran tại quốc gia láng giềng Lebanon, thậm chí tuyên bố Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres là người không được chào đón và bị cáo buộc cố ý bắn phá vào trụ sở Lực lượng Lâm thời LHQ tại Lebanon (UNIFIL), mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có phát biểu cứng rắn về vấn đề này.

Cụ thể, truyền thông Pháp hôm 16/10 đưa tin, phát biểu tại phiên họp nội các Pháp định kỳ, Tổng thống Macron khẳng định: “Ông Netanyahu (Thủ tướng Israel) chớ quên rằng đất nước của ông được thành lập nhờ quyết nghị của LHQ. Vì vậy, giờ không phải là lúc để Israel xem nhẹ quyết định của tổ chức này”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Netanyahu khẩu chiến về nguồn gốc của đất nước Israel và vấn đề tôn trọng Liên hợp quốc. Nguồn: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Netanyahu khẩu chiến về nguồn gốc của đất nước Israel và vấn đề tôn trọng Liên hợp quốc. Nguồn: Reuters

Theo đó, tuyên bố của ông Macron nhằm ám chỉ nghị quyết được LHQ thông qua hồi tháng 11/1947 nhằm phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành một quốc gia Do Thái và một quốc gia Ả Rập. Trên cơ sở đó, Israel được thành lập năm 1948 dành cho người Do Thái. Ông Macron còn nói thêm rằng đây không phải là lúc để thoát khỏi các quyết nghị của LHQ. Giới chuyên gia nhận định, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp truyền đi thông điệp quả quyết đến như vậy. Chính Pháp hồi tháng trước đã cố gắng làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày giữa Israel và Hezbollah. Nhưng kế hoạch này đã phá sản khi Thủ tướng Netanyahu ra lệnh tấn công vào trụ sở lực lượng Hezbollah và giết chết thủ lĩnh Hassan Nasrallah.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu thẳng thừng đáp trả ông Macron, tỏ rõ sự tức giận trước những nhận xét của Tổng thống Pháp về việc thành lập Nhà nước Do Thái. Tờ Times of Israel trích dẫn lời ông Netanyahu tuyên bố: “Một lời nhắc nhở với Tổng thống Pháp rằng không phải nghị quyết của LHQ đã thành lập Nhà nước Israel, mà là chiến thắng đạt được trong chiến tranh giành độc lập bằng máu của những chiến binh anh hùng, nhiều người trong số họ là những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust – kể cả từ chế độ Vichy ở Pháp”. Theo một tuyên bố do văn phòng Thủ tướng Netanyahu đưa ra sau đó, hai nhà lãnh đạo đã điện đàm, trong đó Thủ tướng Israel nói với Tổng thống Pháp rằng ông sẽ không đồng ý với lệnh ngừng bắn đơn phương ở Lebanon.

Thời gian qua, LHQ nhiều lần kêu gọi các bên tham gia xung đột ở Trung Đông kiềm chế, xuống thang căng thẳng và tìm kiếm hòa bình. Nhưng Tel Aviv vẫn đang theo đuổi chiến dịch tiến công trên bộ ở Dải Gaza và miền Nam Lebanon. Hai chiến dịch nhằm tiêu diệt năng lực quân sự của phong trào Hồi giáo Hamas và lực lượng Hezbollah, qua đó đảm bảo an ninh cho Israel.

Sau khi Iran tấn công lãnh thổ Israel bằng 200 tên lửa tối 1/10, Tel Aviv cho rằng việc Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres không chỉ trích quyết liệt Tehran. Israel thậm chí đã tuyên bố ông Guterres là người không được hoan nghênh (persona non grata), đồng nghĩa với việc cấm ông nhập cảnh nước này. Động thái trên đã khiến hơn 100 quốc gia thành viên LHQ ký một lá thư ủng hộ người đứng đầu tổ chức. Phát biểu trước hội đồng LHQ sau lệnh cấm của Israel, ông Guterres giải thích rằng việc ông lên án cuộc tấn công của Iran vào nhà nước Do Thái là điều rất rõ ràng.

Không chỉ với LHQ, quan hệ giữa Israel và Pháp cũng dần căng thẳng từ tuần trước khi hai nhà lãnh đạo đã gay gắt chỉ trích đối phương. Ông Macron kêu gọi ngừng xuất khẩu vũ khí của phương Tây sang Israel và coi đây là cách duy nhất để buộc Nhà nước Do Thái ngừng xung đột ở Gaza và Lebanon. Ông cũng cáo buộc Israel cố tình đặt UNIFIL gồm 10.000 người, trong đó có 700 quân Pháp, vào tình thế nguy hiểm. Đáp lại, ông Netanyahu thề rằng Israel sẽ giành chiến thắng dù phương Tây có hỗ trợ hay không.

Ngoài ra, Israel kêu gọi LHQ sơ tán UNIFIL, tuyên bố Hezbollah đang sử dụng họ làm lá chắn sống. Nhưng người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ Jean-Pierre Lacroix khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ vẫn ở vị trí của họ. Ngay hôm sau, quân đội Israel tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công vào căn cứ của UNIFIL, thậm chí dùng xe tăng húc đổ một cổng căn cứ. Các cuộc tấn công này khiến ít nhất năm thành viên UNIFIL bị thương. Sáng 17/10, UNIFIL lại tố xe tăng Israel bắn phá vị trí của họ ở làng Kfar Kila thuộc miền Nam Lebanon, làm hư hại đài quan sát và phá hủy hai camera. UNIFIL gọi đây là hành động "khai hỏa trực tiếp và có chủ đích" nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Lebanon.

Liên quan đến vấn đề này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 17/10 cho biết, Mỹ đã yêu cầu Israel ngừng đe dọa sinh mạng của dân thường, lính gìn giữ hòa bình LHQ và quân đội Lebanon trong chiến dịch chống Hezbollah. Bộ trưởng Quốc phòng của 16 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi gây sức ép chính trị và ngoại giao tối đa lên Israel để bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Lebanon. UNIFIL được Hội đồng Bảo an LHQ thành lập ngày 19/3/1978 theo nghị quyết số 425 và 426, sau khi Israel đưa quân tấn công miền Nam Lebanon để đáp trả các cuộc tấn công xuyên biên giới của các nhóm vũ trang Palestine. Phái bộ được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động rút quân của Israel, vãn hồi hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như hỗ trợ chính phủ Lebanon khôi phục thẩm quyền tại khu vực.

Sau cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006, Hội đồng Bảo an tăng cường lực lượng cho UNIFIL và bổ sung nhiệm vụ mới, trong đó có hỗ trợ những người phải sơ tán vì chiến sự. Lính UNIFIL còn có trách nhiệm theo dõi, báo cáo các hành động vi phạm và bảo đảm an ninh tại khu vực biên giới cũng như thường xuyên tuần tra cùng quân đội Lebanon. Được biết, nhân sự của UNIFIL được đóng góp từ 50 quốc gia, phần lớn là binh sĩ gìn giữ hòa bình. Indonesia, Italia, Ấn Độ, Nepal, Ghana và Malaysia góp nhiều quân nhất, tiếp đó là Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ireland và Pháp.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khong-phai-luc-de-thoat-khoi-cac-quyet-nghi-cua-lien-hop-quoc-i747522/