Không thể có 'đặc quyền' riêng

Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và cử tri trong cả nước. Ngay sau khi công bố, dự luật này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về chính sách hỗ trợ nhà giáo.

Cụ thể, dự thảo luật đưa ra 5 chính sách quan trọng đối với nhà giáo, gồm: Bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Quy định này hoàn toàn hợp lý, vì dự thảo đã cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tức là phải có sự ưu tiên nhất định đối với nhà giáo, những người làm công việc “trồng người”, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Dự luật quy định lương nhà giáo cao sẽ thu hút giáo viên trẻ và giữ chân giáo viên giỏi, đồng thời nâng tầm vị thế nhà giáo trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, khi tuyển dụng, nhà giáo được xếp lương bậc 2. Quy định này sẽ cải thiện phần nào thu nhập cho giáo viên trẻ, thu hút sinh viên giỏi tuyển dụng vào ngành sư phạm.

Điểm mới nữa là tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non. Theo đó, dự kiến giáo viên mầm non và tiểu học được hưởng ưu đãi nghề cao hơn cấp học khác, tăng thêm lần lượt 10% và 5%. Quy định này nhằm giúp giáo viên mầm non có cuộc sống tốt hơn, yên tâm công tác, gắn bó với nghề, bởi hiện nay giáo viên mầm non có thu nhập thấp hơn. Cụ thể, giáo viên hạng III chỉ có hệ số lương 2,1 đến 4,89. Trong khi đó, giáo viên tiểu học đến THPT hạng III đều có hệ số lương 2,34 đến 4,98. Từ nội dung dự thảo luật cho thấy, các chính sách ưu tiên, ưu đãi nêu trên đều hướng đến có lợi cho giáo viên, nâng tầm vị thế nhà giáo.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà giáo vẫn còn một số chính sách, quy định chưa nhận được đồng thuận cao của dư luận, thậm chí có những đề xuất nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Đó là chính sách miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo. Vì theo số liệu của Bộ GD&ĐT, để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỷ đồng/năm, đây là con số không hề nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, nhà giáo đã được hưởng nhiều ưu đãi từ khi học sư phạm đến lúc vào nghề, được hưởng các chế độ phụ cấp, thâm niên nên nếu miễn học phí cho con nhà giáo dễ dẫn tới “đặc quyền, đặc lợi”. Về vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu dự luật đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo thì nên miễn cho con của những nhà giáo hoàn cảnh khó khăn vì bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn nặng mất khả năng lao động...

Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, việc quy định không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan thẩm quyền là chưa phù hợp. Vì, đối với trường hợp giáo viên vi phạm dạy thêm, học thêm nhiều lần, thách thức dư luận, được phụ huynh, học sinh phản ánh, báo chí tiếp cận... nhưng ít vụ việc được cơ quan kết luận và công khai đến dư luận. Do đó, nếu đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền mới được thông tin thì sự việc đã mất tính thời sự, mất tính phản ánh của phương tiện truyền thông. Vì vậy, không công khai thông tin cá nhân nhưng thông tin về dấu hiệu vi phạm thì không thể cấm. Hơn nữa, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, nếu làm sai thì phải bị xử lý theo quy định pháp luật và báo chí được quyền tiếp cận để công khai theo Luật Báo chí, nhà giáo không thể có “đặc quyền, đặc lợi” riêng.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164841/khong-the-co-dac-quyen-rieng