Không thể cứ nói cho sướng

Ngày nay, nhân loại đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin và mạng xã hội là nơi để kết nối, giải trí, học tập, kinh doanh và cả thể hiện bản thân. Đặc biệt, mạng xã hội còn là công cụ hữu dụng để trải lòng. Tuy nhiên, để mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích giúp ta đi đến thành công thì trước hết, người sử dụng phải thực sự 'trưởng thành'. Và việc sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lý là thể hiện sự trưởng thành, độ chín chắn của chủ tài khoản. Nếu ngược lại, mạng xã hội sẽ mang lại cho người sử dụng không ít hệ lụy khó lường và trường hợp sau đây là một minh chứng.

Ngày 7-7-2021, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đã ban hành Công văn số 1389/PTTH&TTĐT gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh yêu cầu xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với trường hợp MC Vũ Hoài Phương, nghệ danh Trác Thúy Miêu. Theo đó, qua kiểm tra, rà soát, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện MC Vũ Hoài Phương đăng tải trên mạng xã hội facebook bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19… Ngay sau khi văn bản nêu trên phát hành, trang facebook này đã bị khóa, nhưng trước đó đã có rất nhiều người chia sẻ nội dung bài viết này trên mạng xã hội.

Vũ Hoài Phương SN 1975, người gốc Huế. Cô từng là cây bút có thâm niên trong lĩnh vực thời trang và văn hóa - xã hội. Thời gian gần đây, Phương chuyển sang làm MC. Trước đó, tài khoản facebook của Phương đã đăng bài viết chỉ trích đoàn 300 sinh viên của Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, gây xôn xao dư luận. Bài viết này có đoạn: … Sài Gòn bản thân nó dư nội lực, cả tri thức, sức người và lòng người… Sinh viên Y dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên, nghệ sĩ, y, bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn… thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm…

Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến cực kỳ phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt là chủng vi rút mới liên tục biến đổi với tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn. Và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng, có ngày vượt 1.000 ca bệnh. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương cùng người dân trong cả nước đang đồng lòng, dốc sức hỗ trợ cho thành phố với tinh thần và tình cảm trân trọng nhất: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Vậy mà status của tài khoản facebook Phương Vu nói trên lại viết theo kiểu thiếu tôn trọng người khác và nguy hại hơn là chia rẽ vùng miền. Đây thực sự là liều thuốc độc làm li gián, chia rẽ lòng người giữa cơn đại dịch.

Chưa hết, ở đoạn cuối của status này, chủ tài khoản đã viết rằng: Mấy anh, mấy ông ở trên cũng bớt léo nhéo mấy câu ca cũ rích, gì mà cuộc chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, nghe mắc cỡ gần chết. Cái nết đó phải bỏ nha, không thôi cuộc chiến lòng người sẽ còn dài dữ lắm. Mấy thằng đoàn trưởng có bu theo ăn hôi điểm chính trị vụ này cũng tém cái nết lại, làm khoa học cho ra dáng người trí thức, thói ngoa ngôn không ăn nhằm gì với công luận xứ này đâu…

Được biết, chủ tài khoản này đã từng viết báo, nhân đây người viết bài xin nhắn gửi đôi lời rằng, đại từ “mấy” trong ngôn ngữ Việt Nam chỉ sử dụng khi người ta muốn nói hay nhắc đến những đồ vật hoặc con vật. Ví dụ: Mấy cái này, mấy cái kia, mấy cái đó, mấy con này, mấy con kia… Còn đối với người và đặc biệt là những người có địa vị trong xã hội thì không ai dùng đại từ “mấy”, mà là đại từ “các”. Ví dụ: Các ông, các bà, các anh, các chị, các em hay các bạn, các đồng chí,… Việc sử dụng sai đại từ trong trường hợp này được hiểu là xem thường, thiếu tôn trọng hoặc miệt thị người khác. Và dù là vô tình hay cố ý, đồng thời tùy theo hoàn cảnh, người nghe, người đọc sẽ phần nào tri thức cũng như tình cảm và cao hơn nữa là đạo đức của người sử dụng những đại từ nói trên đối với những người khác. Chính vì vậy, ông bà xưa đã dạy rằng: “Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Ông bà xưa đã dạy rằng, bất cứ ở đâu hoặc trong hoàn cảnh nào cũng đừng bao giờ buông lời nhạo báng, coi thường người khác để tâng bốc mình lên. Bởi, nếu có hạ thấp được người khác thì cũng chẳng bao giờ làm cho ta trở nên xuất sắc hay hoàn mỹ hơn, mà chỉ càng thể hiện sự ích kỷ và thiển cận của chính mình mà thôi. Vậy nên, xin gửi đến chủ tài khoản facebook đã viết ra status trên và những ai có thói quen thích hay không thích cũng lên mạng nói cho sướng, rằng: Im lặng là vàng, khoan dung là bạc, giúp người là đức hạnh. Và trong lúc này, không những im lặng là vàng mà còn là để tránh cái họa từ miệng. Tuy nhiên, muốn được vậy thì trong lúc đất nước và nhân dân đang gồng mình phòng chống đại dịch, nếu không giúp được gì thì đừng phá hoại, chỉ cần ở nhà và im lặng thôi cũng đã là giúp nhiều rồi.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/125080/khong-the-cu-noi-cho-suong