Không thỏa hiệp

Công khai tố cáo là một giải pháp mang tính đương đầu, đòi hỏi nạn nhân phải có tinh thần dũng cảm và khả năng chịu đựng được áp lực. Bởi khi nạn nhân chọn tố cáo, họ có thể tiếp tục đối mặt với quá khứ ám ảnh, cũng có thể được chữa lành...

Không phải ngẫu nhiên mà định nghĩa về quấy rối tình dục (QRTD) có nêu rất rõ ảnh hưởng tâm lý mà người bị quấy rối phải chịu đựng. "QRTD là hành vi không mong muốn và mang tính xúc phạm của một bản năng tình dục. Nó xâm phạm đến phẩm giá của người khác, khiến họ cảm thấy mất danh dự, tủi nhục, xấu hổ và bị đe dọa” (Theo tài liệu của tổ chức FOJO cung cấp).

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Đỉnh cao của QRTD là cưỡng bức. Đây là một hành vi mang tính hủy hoại người khác. Hầu hết những người bị cưỡng bức đều bị chấn thương tâm lý trầm trọng. Sau sự kiện khủng khiếp đó, các nạn nhân có xu hướng thu mình vào bóng tối, vật lộn với nỗi sợ hãi, ám ảnh. Dẫu họ hoàn toàn không có lỗi, không đáng phải gánh chịu cảm giác mất danh dự, nhưng họ luôn cảm thấy nhục nhã, thậm chí có người còn không chịu nổi thân xác của mình. Điều này lý giải tại sao, có những nạn nhân phải mất rất nhiều năm mới dám dũng cảm đứng lên tố cáo.

Phần lớn các vụ QRTD rất khó chứng minh, nạn nhân đi tố cáo đều phải đối mặt với nguy cơ bị thủ phạm kiện ngược. Nạn nhân còn phải đối mặt với áp lực xã hội. Những định kiến kém hiểu biết kiểu: “Không có lửa thì làm sao có khói”… không khác gì những nhát dao đâm vào tim nạn nhân.

Theo định nghĩa QRTD thì một hành vi được gọi là QRTD phụ thuộc vào người tiếp nhận hành vi này. Tức là, dù nữ có cảm tình với nam, nhưng nam tiến quá nhanh, có những hành vi đụng chạm mà không được nữ đồng thuận thì hành vi đó vẫn được xếp vào nhóm QRTD. Những người phụ nữ đồng ý tham gia quan hệ tình dục với một người trong tình trạng bị người này dọa dẫm, bị ép buộc, thì hành vi của người này bị coi là QRTD.

Những người mạnh mẽ có khả năng tự bảo vệ bản thân, có thể sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao khi thấy nguy cơ, nạn nhân không tìm cách thoát thân?”, “Thiếu gì cách để né khi thấy có nguy cơ bị sàm sỡ?”…

Bạn mạnh mẽ, bạn luôn tìm được cách thoát thân, không có nghĩa là những người khác cũng mạnh mẽ như bạn. Rơi vào tình huống đối mặt với một kẻ tấn công tình dục hung hăng, trong hoàn cảnh không thể kêu cứu, không ai tới giúp đỡ mới hiểu được sự bất lực của nạn nhân.

Ngoài ra, phần lớn nạn nhân của QRTD, nếu không ở vị thế thấp hơn kẻ cưỡng bức về địa vị xã hội, tiền tài thì đều yếu hơn về thể chất, lẫn tinh thần. Đó là lý do khi sự kiện bất ngờ xảy ra, họ bị tê liệt hoàn toàn trước sự áp đảo toàn diện của kẻ tấn công họ.

Phong trào Metoo năm 2017 cho thấy, ngay cả những diễn viên, ca sĩ quyền lực trên thế giới cũng bị khủng hoảng tâm lý sau khi bị tấn công tình dục. Họ cũng phải mất nhiều năm ròng rã trị liệu tâm lý và phải lấy hết dũng khí khi kể ra câu chuyện của mình.

Vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của những vụ tấn công tình dục, vì tính chất đặc biệt nhạy cảm của tâm lý nạn nhân, nên các cá nhân khi chưa có đủ thông tin, chưa thấy có kết luận của cơ quan chức năng, cần kiềm chế đưa ra những nhận định kiểu “tôi khẳng định cô ta không vô can”, “nhìn mặt hắn ta rất đểu”…

Nếu đủ niềm tin với người được cho là nạn nhân, dám chịu trách nhiệm khi share thông tin ủng hộ họ thì hãy làm. Còn không, hãy theo dõi vụ việc và share thông tin có trách nhiệm, tránh những bình phẩm tiêu cực tới những người được cho nạn nhân, tránh suy diễn “từ bụng ta suy ra bụng người”.

Nạn nhân quấy rối tình dục một khi quyết định làm đơn tố cáo, thường phải đương đầu với vô vàn áp lực xã hội. Dư luận có thể xì xào “chắc ban đầu cô ta đã bật đèn xanh cho ông ta"...

Theo định nghĩa QRTD, cho dù cô ấy “bật đèn xanh” lúc đầu, nhưng khi cô ấy cảm thấy mối quan hệ này không ổn, cô ấy có quyền rút lui. Nếu ông ta cứ lấn tới chạm, sờ vào cô ấy, bất chấp sự kháng cự của cô ấy, thì chúng ta có thể gọi đích danh hành vi của người đàn ông đó là QRTD. Nếu ông ta ép buộc cô ấy quan hệ tình dục, thì hãy gọi đích danh hành vi đó là cưỡng bức. Ngay cả với các cặp vợ chồng, vợ cự tuyệt mà chồng vẫn cố ép quan hệ tình dục, hành vi đó sẽ bị gọi là cưỡng bức.

Quyền được rút lui khỏi một mối quan hệ là quyền cơ bản của con người. Còn các hành vi dùng quyền lực, dùng clip để thao túng người khác, dùng bạo lực để chiếm đoạt thể xác của người khác là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Dư luận có thể đặt câu hỏi: Tại sao nạn nhân của QRTD phải để mấy chục năm sau mới tố cáo? Sao không để câu chuyện ngủ yên? Bởi vì nạn nhân đều gặp vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần sau khi bị QRTD. Họ phải vật lộn để sống tiếp. Không phải nạn nhân nào cũng dám công khai.

Công khai tố cáo là một giải pháp mang tính đương đầu, đòi hỏi nạn nhân phải có tinh thần dũng cảm và khả năng chịu đựng được áp lực. Bởi khi nạn nhân chọn tố cáo, họ có thể tiếp tục đối mặt với quá khứ ám ảnh, họ cũng có thể được chữa lành.

Có những vụ QRTD tưởng bị chôn vùi hàng chục năm, nhưng vẫn có thể bị lộ sáng. Bởi những kẻ QRTD có xu hướng quấy rối nhiều người, nên một khi các nạn nhân đoàn kết lại, thì kẻ QRTD khó lòng thoát. Dưới đây là một trường hợp.

Năm 1922 GS Ross Cheit - Đại học Brown được chị gái báo tin cháu trai đã tham gia dàn hợp xướng nam giống như GS. Cheit đã làm khi còn nhỏ. Thông tin đó khiến vị giáo sư 38 tuổi bất giác cảm thấy buồn rầu, cáu kỉnh mà không hiểu lý do vì sao.

Một thời gian sau GS. Cheit nhớ ra những ký ức tồi tệ vào năm ông 10 - 13 tuổi, khi ông tham gia dàn hợp xướng ở trại hè San Francisco... Đêm đó, William Farmer, tay quản trị viên của đội hợp xướng nam đã mò vào cabin, sờ soạng, thò tay vào đồ ngủ của cậu bé Cheit.

Sau khi nhớ lại toàn bộ, GS. Cheit đã thuê người bí mật điều tra, tìm kiếm các thành viên của dàn hợp xướng và y tá trại hè ở thời điểm đó. Ông có thêm bằng chứng, Farmer không chỉ lạm dụng ông mà còn nhiều cậu bé khác.

Ngày 12.7.1974, Farmer đã bị bắt và bị buộc 6 tội lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến 3 cậu bé, bao gồm cả Cheit. Dàn hợp xướng nhận tội danh "bất cẩn hoặc cố ý" cho phép nhân viên thực hiện hành vi quấy rối trẻ em, và phải đền bù cho GS. Cheit 35.000 USD tiền bồi thường và phải có biện pháp bảo vệ trẻ em tham gia trại hè.

Vụ bê bối tình dục của ông trùm sản xuất phim Harvey Weinstein (Mỹ) ban đầu cũng khởi phát từ đơn tố cáo của một vài cá nhân. Sau đó rất nhiều diễn viên nữ đã lên tiếng. Những bằng chứng sống này đã khiến cho Harvey Weinstein thân bại danh liệt.

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một người từng bị tấn công tình dục sẽ có nguy cơ bị tấn công tình dục nhiều hơn trong tương lai. Một nghiên cứu khác cho thấy: phụ nữ bị tấn công tình dục lần đầu có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn 35 lần so với phụ nữ chưa từng bị tấn công tình dục.

Do đó, những ai đặt câu hỏi: “Tại sao nạn nhân của các vụ cưỡng bức không tự rút kinh nghiệm mà lại để bị cưỡng bức thêm lần nữa?”, nhất thiết phải tìm hiểu thêm, để tránh việc đổ lỗi cho các nạn nhân một cách đơn giản.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân của các vụ tấn công tình dục tiếp tục bị tấn công. Bị cưỡng bức, nạn nhân không chỉ bị đánh gục về mặt thể chất mà còn bị hạ gục tinh thần. Khi trở nên yếu đuối như vậy, khả năng tiếp tục bị tấn công tình dục sẽ tăng cao.

Ngoài ra, hiện tượng xã hội bao che cho các vụ cưỡng bức, đổ lỗi cho các nạn nhân (đơn cử đổ lỗi tại phụ nữ ăn mặc khêu gợi, mời chào người khác cưỡng bức mình); văn hóa cộng đồng không cởi mở về tình dục, coi tình dục là cấm kị, coi người bị cưỡng bức là mang nỗi nhục về cho gia đình… chỉ khiến các nạn nhân càng thêm đau đớn, xấu hổ, tự trách bản thân.

Xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân thực sự tệ hại. Xu hướng nghĩ rằng mình đủ khôn ngoan để thoát khỏi một vụ cưỡng bức, còn các nạn nhân bị cưỡng bức là vì họ kém cỏi càng không ổn. Cưỡng bức không chừa một ai.

Tháng 11.1998, Linor Abargil đăng quang Hoa hậu Thế giới trong niềm hạnh phúc và nỗi tủi nhục song hành. Trước khi đăng quang một tuần, cô đã bị cưỡng bức. Sau khi đăng quang cô phải chữa trị tâm lý. Cô tìm thấy động lực để đi khắp nơi trên thế giới giúp đỡ nạn nhân của các vụ tấn công tình dục.

Linor Abargil nhận thấy nạn nhân của các vụ cưỡng bức đều có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân dù đó không phải lỗi của họ. Linor Abargil đã nắm tay những người phụ nữ đó, nói với họ rằng đó không phải lỗi của họ. Cô giúp họ nâng cao nhận thức để tìm lại niềm tin vào bản thân, tìm lại sự tự hào, tự trọng...

Ngọc Diệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-thoa-hiep-eb7x8lq2ew-82264