Không xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Chiều muộn ngày 26/1 (tức mùng 5 Tết), lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho hay, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán cơ bản được đảm bảo, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 20 - 26/1/2023), toàn quốc xảy ra 152 vụ TNGT, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 12 vụ (-7,3%), giảm 3 người chết (-3,3%) và tăng 8 người bị thương (+8%). Trong đó, đường bộ xảy ra 147 vụ TNGT, làm chết 85 người và 109 người bị thương; đường sắt xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 4 người và 1 người bị thương; đường thủy xảy ra 1 vụ và 1 người bị thương. Không xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không và hàng hải.
Thống kê số liệu thương tích liên quan tới TNGT của ngành Y tế cũng cho thấy, tính từ 7 giờ ngày 20/1/2023 đến 7h ngày 26/1/2023, có 26.411 ca khám, cấp cứu liên quan đến TNGT, so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến TNGT tết Quý Mão tăng 13,5% ca, số ca tử vong do TNGT giảm 3,7%.
Về vấn đề tình hình ùn, tắc giao thông trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão chủ yếu tập chung tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày cao điểm (tức ngày 29 - 30 Tết và ngày mồng 4 - 5 Tết) - là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc.
Nguyên nhân do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Các tuyến xảy ra ùn tắc: Tuyến Pháp Vân - cầu Giẽ, đường vành đai 3; trên tuyến quốc lộ 1 qua Đồng Nai, qua Ninh Bình, Thanh Hóa..., cao tốc theo hướng thành phố Hồ Chí Minh đi Long Thành - Dầu Giây, cửa ngõ đi về miền Đông, miền Tây (Tiền Giang, Bến Tre v.v…), phà Cát lái và Rạch Miễu; quốc lộ 51 hướng đi Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như tại các bến xe nhà ga tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại một số trạm thu phí, mặc dù đã triển khai hệ thống thu phí không dừng, tuy nhiên do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao so với ngày thường và do va chạm giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn, tắc cục bộ tại một số trạm thu phí như tuyến trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ…
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, để đạt được kết quả như trên là do sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và công tác xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và vận tải hành khách được triển khai sớm ở tất cả các lĩnh vực; công tác kiểm tra, đôn đốc được tăng cường, đặc biệt vào thời điểm cao điểm trước tết với sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Cảng vụ, chính quyền địa phương.
Cùng đó là Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương tăng cường 100% quân số ứng trực và tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, đặc biệt xử lý chuyên đề về nồng độ cồn, ma túy xuyên suốt Tết Nguyên đán. Kết cấu hạ tầng giao thông được chỉnh trang, nâng cấp; công tác tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông của các phương thức vận tải đều được chú trọng cải thiện. Bên cạnh là phương án tổ chức vận tải được các doanh nghiệp ngành Hàng không, Đường sắt, Đường bộ và Sở GTVT các địa phương chuẩn bị sớm.
Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra hoạt động vận tải trong phạm vi quản lý về việc thực hiện các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch. Song do phương tiện cơ giới cá nhân gia tăng cao là nguyên nhân dẫn tới các vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên một số tuyến giao thông trọng điểm.
Để giao thông được thuận lợi, an toàn hơn sau dịp Tết, cũng là mùa lễ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, ô tô chở quá số người quy định. Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng đặc biệt trên những đoạn tuyến vừa khai thác, vừa thi công.
Khẩn trương phục hồi nhanh vận tải hành khách công cộng đường bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm các chuyến đi bằng phương tiện cơ giới cá nhân trên cự ly dài trên các quốc lộ cao tốc, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải khi học sinh đi học trở lại và mùa lễ hội xuân bắt đầu tại nhiều địa phương. Đặc biệt là tăng cường năng lực vận tải hàng không, tổ chức giao thông hợp lý để kéo giảm tình trạng ùn tắc chậm hủy chuyến tại các cảng hàng không, tổ chức ứng trực để kịp thời phát hiện và xử lý các sự vụ ùn tắc tại khu vực các cảng hàng không.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, có tổng số 33 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia, chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm (tức ngày 29 - 30 Tết và ngày mồng 4 - 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc.
Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm quy định nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông. Các cuộc gọi đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.