Khu kinh tế Thanh Niên - 50 năm nhìn lại

PTĐT - Ngày 23/2/1971, hơn 600 đoàn viên thanh niên ưu tú đến từ 6 tỉnh, thành phố là Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), Hải Hưng (nay là Hưng Yên và Hải Dương), Nam Hà (nay là Hà Nam và Nam Định)...

PTĐT - Ngày 23/2/1971, hơn 600 đoàn viên thanh niên ưu tú đến từ 6 tỉnh, thành phố là Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), Hải Hưng (nay là Hưng Yên và Hải Dương), Nam Hà (nay là Hà Nam và Nam Định), Thái Bình, Hải Phòng và Hà Nội đã tề tựu tại xã Minh Đài, huyện Tân Sơn làm lễ ra quân thành lập Khu kinh tế Thanh niên, tiền thân của 3 xí nghiệp chè: Thanh Niên, Tân Phú và Phú Long ngày nay. Trải qua nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, những con người ngày ấy đã góp sức kiến tạo nên vùng đất trù phú như ngày hôm nay.

Để hiểu rõ hơn về bối cảnh thành lập và quá trình phát triển của Khu kinh tế Thanh niên, chúng tôi đã gặp và trò chuyện cùng ông Nguyễn Tuyên Huấn - nguyên Bí thư Đảng ủy Khu kinh tế Thanh niên giai đoạn 1978 - 1988. Ông Huấn nay đã 84 tuổi nhưng những kí ức về thời quá khứ hào hùng, sống, chiến đấu và lao động sản xuất thì mãi mãi không bao giờ quên.

Những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá miền Bắc. Xuất phát từ vị trí, vai trò chiến lược của Đoàn thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Lao động (TNLĐ) Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương “xây dựng thí điểm khu kinh tế mới”, nhằm động viên đoàn viên thanh niên (ĐVTN) các tỉnh miền xuôi tình nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền núi. Sau khi được chuẩn y, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 268/TTg ngày 23/12/1970 về việc cho phép Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh xây dựng một khu kinh tế Thanh niên tại 7 xã thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú. Quyết định do cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ) ký ban hành. Một mô hình thanh niên làm kinh tế thời chiến đã được “khai sinh” ra như thế.

Ông Nguyễn Tuyên Huấn cho biết: “Khu kinh tế Thanh niên được thành lập với hai nhiệm vụ chính là sản xuất nông - lâm - nghiệp, để tạo ra của cải vật chất, phục vụ sự nghiệp cách mạng, chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và đào tạo nên lớp cán bộ ĐVTN “vừa hồng vừa chuyên” để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng kinh tế đất nước sau giải phóng”.

Ngay từ khi thành lập, trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Thanh Sơn là: Tân Phú, Minh Đài, Mỹ Thuận, Văn Luông, Tam Thanh, Long Cốc và Văn Miếu, các đội sản xuất nhanh chóng triển khai nhiệm vụ. Những đội quân “chân quấn xà cạp, vai đeo súng trường, tay cầm dao cuốc” xông vào rừng phát quang bụi rậm, đào rãnh trồng chuối tiêu và dứa. Với khí thế thi đua của tuổi trẻ, ĐVTN Khu kinh tế Thanh niên đã phát động phong trào “8 - 2 - 2” tức là 8 giờ lao động sản xuất, 2 giờ học tập chính trị - văn hóa, 2 giờ luyện tập quân sự, thể dục thế thao. Một năm sau, 200 ha chuối và dứa đã đến kỳ thu hoạch.

Ông Huấn không bao giờ quên được sự kiện 11h trưa ngày 20/9/1972, giặc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá với mục đích hủy diệt Khu kinh tế Thanh niên. Do bị phục kích bất ngờ, 45 cán bộ công nhân đã hy sinh, 27 người bị thương và toàn bộ cơ sở vật chất dày công xây dựng trong suốt hơn một năm qua đã bị phá hủy hoàn toàn. Nén đau thương mất mát, những người còn lại vực dậy sản xuất. Toàn Đảng bộ lúc đó dấy lên cao trào hành động cách mạng mới là “Thương tiếc đồng chí vô cùng, căm thù giặc Mỹ vô hạn”, “Mỗi người làm việc bằng hai” để tri ân và vinh danh đồng chí, đồng đội.

Trong hoàn cảnh đau thương, mất mát, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã gửi thư động viên cán bộ, công nhân khu kinh tế Thanh niên, trong đó viết: “Hãy xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc giao cho Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh xây dựng khu KTTN; Hãy xứng đáng với những gì anh chị em đã hy sinh...”

Những người con ưu tú đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc tụ hội tại Đất Tổ làm nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó. Họ hy sinh tuổi trẻ, máu xương và cả hạnh phúc riêng, chiến đấu cho lý tưởng vì ngày mai Bắc Nam sum họp một nhà, đất nước nối liền một dải.

Không phụ sự mong mỏi của Trung ương Đảng, Đoàn, những cán bộ, công nhân Khu kinh tế Thanh niên đã miệt mài, hăng say lao động, sản xuất. Tháng 10/1972, 150 tấn chuối được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ)

Tuy trồng chuối và dứa cho năng suất cao song những năm 70, điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, chưa thể xây dựng một nhà máy chế biến hoa quả. Bởi thế, nhiều tấn chuối, dứa chín không được tiêu thụ, phải đổ bỏ. Trước tình hình đó, cuối năm 1974, đồng chí Nguyễn Công Tạn - Giám đốc Khu kinh tế Thanh niên đã đưa ra sáng kiến trồng chè trên một phần diện tích canh tác lúc bây giờ. Giống chè được trồng bằng phương pháp dâm cành lấy từ trại ươm Phú Hộ về trồng thí điểm. Vượt qua bao thử thách, cây chè đã phát huy hiệu quả khi trồng ở vùng đồi núi. Hai năm sau, 3 ha chè mơn mởn xanh tươi mọc lên như lời khẳng định sự thay đổi đó là đúng đắn.

Năm 1977, Khu kinh tế Thanh niên chuyển giao cho Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam quản lý (tiền thân của Tổng công ty chè Phú Đa), sau đó tách thành ba xí nghiệp chè: Thanh Niên, Tân Phú, Phú Long. Không chỉ mở rộng trồng chè trên diện tích cả ba xí nghiệp, các kỹ sư còn vận động nhân dân các xã lân cận phát triển cây chè bằng cách giúp dân lập quy hoạch đất đai, hỗ trợ về giống và kỹ thuật. Tinh thần thanh niên, tác phong làm việc kỷ luật nghiêm túc đã biến các xã miền núi khó khăn của huyện Thanh Sơn trở thành vùng chè trù phú, xanh tươi. Hiện nay, đồi chè Long Cốc còn được bình chọn là một trong những đồi chè đẹp nhất cả nước.

Mô hình Khu kinh tế Thanh niên sau này được nhân rộng ở các địa phương, nhiều cán bộ của Khu kinh tế Thanh niên (xã Minh Đài, Tân Sơn) đã trưởng thành và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, khu kinh tế Thanh niên không chỉ hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ được Trung ương Đảng giao phó mà còn là kim chỉ nam cho lớp lớp thanh niên đi sau tiếp tục lý tưởng và khát vọng dựng xây đất nước trong thời đại mới.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202103/khu-kinh-te-thanh-nien-50-nam-nhin-lai-176133