Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ kéo dài bao lâu?

Sau 8 tháng ròng rã đặt mua nắp nồi, Kirsten Gjesdal - chủ cửa hàng cung cấp đồ dùng nhà bếp ở Brookings, Nam Dakota, Mỹ mới nhận được hàng.

Nhiều tháng qua, Gjesdal đã quen với việc phải trả thêm tiền cho chi phí vận chuyển tăng hàng hóa.

Thách thức mà Gjesdal đang đối mặt là minh chứng cho sự hỗn loạn thương mại đang khuấy động nền kinh tế toàn cầu, khi các nhà sản xuất và ngành vận tải biển phải đối mặt với khó khăn chồng chất.

Sự chậm trễ, thiếu hụt sản phẩm và chi phí gia tăng tiếp tục tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Và doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với một trải nghiệm hiếm có trong thời hiện đại: Không có sẵn hàng và không biết khi nào hàng sẽ có hàng để bán.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng. Hình ảnh một tàu container ở Cảng Miami, Florida, Mỹ. (Nguồn: New York Times)

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng. Hình ảnh một tàu container ở Cảng Miami, Florida, Mỹ. (Nguồn: New York Times)

Hỗn loạn thương mại

Trong bối cảnh tình trạng thiếu chip máy tính kéo dài, Toyota tuyên bố trong tháng 8/2021 rằng, họ sẽ cắt giảm 40% sản lượng ô tô toàn cầu.

Các nhà máy khác trên khắp thế giới cũng đang hạn chế hoạt động bởi họ không thể mua những nguyên liệu cần thiết. Các công ty xây dựng thì phải trả nhiều tiền hơn cho sơn, gỗ và phải chờ đợi hàng tuần, đôi khi là hàng tháng để nhận được thứ họ cần.

Tại Anh, Dịch vụ Y tế quốc gia cho biết, họ phải trì hoãn một số xét nghiệm máu vì thiếu thiết bị cần thiết. Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Anh cho thấy, quốc gia này đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu, phụ tùng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tháng 3/2021, giá vận chuyển toàn cầu tăng đột biến và nhiều hàng hóa trở nên khan hiếm. Các chuyên gia cho rằng, rắc rối phần lớn là do lượng đơn đặt hàng dư thừa từ sự thay đổi bất thường của nhu cầu người tiêu dùng trong đại dịch Covid-19.

Người tiêu dùng ở Mỹ và các nước phát triển khác mua thêm máy chơi game và xe đạp tập thể dục tại nhà... để phục vụ nhu cầu ở nhà chống dịch. Điều này đã khiến ngành công nghiệp vận chuyển hoạt động hết công suất.

Sau một vài tháng, nhiều người cho rằng, các nhà máy sẽ bắt kịp nhu cầu người tiêu dùng và các con container sẽ giải quyết những tồn đọng. Nhưng điều đó không xảy ra.

Cũng giống như cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn biến khó lường, sự hỗn loạn trong thương mại quốc tế diễn ra lâu hơn dự kiến.

Con tàu khổng lồ đã bị mắc kẹt trong kênh đào Suez trong năm nay, làm ngưng trệ hoạt động giao hàng trên tuyến đường thủy quan trọng nối châu Âu với châu Á trong một tuần. Điều này đã làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn trên biển. Hàng loạt vụ đóng cửa tạm thời liên quan đến dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng vậy.

Thế giới đã nhận được một bài học đau đớn về vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Một container vận chuyển đậu nành bị mắc kẹt ở Los Angeles, Mỹ vì Covid-19 đã khiến người mua ở Indonesia phải chờ đợi và có khả năng gây ra tình trạng thiếu thức ăn chăn nuôi ở Đông Nam Á.

Các đơn đặt hàng tivi ở Canada và Nhật Bản tăng đột biến cũng khiến tình trạng thiếu chip máy tính thêm trầm trọng, buộc các nhà sản xuất ô tô phải làm chậm dây chuyền sản xuất ở Hàn Quốc, Đức và Brazil.

Chưa thấy điểm kết thúc

Anh Eric Poses, sống tại Miami, Florida, Mỹ có một xưởng sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc. Anh cho biết, trước khi đại dịch xảy ra, việc vận chuyển một container 40 feet (khoảng 12 mét) từ Thượng Hải, Trung Quốc đến nhà kho tại Michigan có giá từ 6.000-7.000 USD.

Nhưng với chuyến hàng tiếp theo, dự kiến rời Trung Quốc vào giữa tháng 9/2021, sẽ có giá ít nhất là 26.000 USD. Và đại lý vận chuyển hàng hóa của Eric Poses cảnh báo, giá rất có thể sẽ tăng lên tới 35.000 USD vì những khó khăn của ngành vận tải biển.

Vận tải đường biển giá rẻ và đáng tin cậy từ lâu đã trở thành một phần nền tảng của thương mại quốc tế. Nhờ vận tải biển, các nhà sản xuất có thể chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác để tìm kiếm nguyên liệu rẻ, lao động trả lương thấp.

Công ty thể thao Columbia tại Mỹ là một trong những "gương mặt" tiêu biểu cho xu hướng này. Công ty đã dựa vào các nhà máy ở châu Á để sản xuất hàng hóa và phụ thuộc vào vận chuyển đường biển trong nhiều năm qua.

Timothy Boyle, Giám đốc điều hành của Columbia cho hay: “Giá vận chuyển hàng hóa đến Mỹ từ châu Á đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu đại dịch và Columbia có thể phải xem xét lại phương thức hoạt động truyền thống".

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để định hình triển vọng kinh tế thế giới. Nếu tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp tục diễn ra trong năm tới, điều đó có thể thúc đẩy giá cả hàng hóa tăng vọt.

Câu hỏi đặt ra rằng: Sự thiếu hụt hàng hóa và gián đoạn thương mại chỉ là rủi ro tạm thời hay sẽ kéo dài? Khủng hoảng vận tải biển kéo dài bao lâu?

Giám đốc điều hành của Keelvar Alan Holland, một công ty có trụ sở tại Cork, Ireland chuyên sản xuất phần mềm được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng cho hay: “Tôi chưa thấy điểm kết thúc của tình trạng này trong ngắn hạn. Mọi người hãy chuẩn bị cho một khoảng thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài”.

Ở West Midlands, Anh, Tony Hague, Giám đốc Công ty PP Control & Automation cho hay, nhu cầu các sản phẩm của công ty đang ngày càng mở rộng và khoảng 240 nhân viên đã làm việc hết công suất. Nhưng công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị. Ông Hague nhận thấy: “Tình trạng này đang trở nên tồi tệ hơn”.

Chủ tịch của Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, Mỹ Adam S. Posen cũng nhận định: “Có một sự không chắc chắn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng này sẽ kéo dài trong một hoặc hai năm nữa".

Một số chuyên gia thương mại cho rằng, tình trạng khan hiếm sản phẩm hiện đang trở nên trầm trọng hơn do các phản ứng hợp lý đối với các sự kiện gần đây. Đại dịch đã thay đổi thói quen người tiêu dùng. Người Mỹ đã lấp đầy tầng hầm của mình bằng giấy vệ sinh, máy chạy bộ... Hàng triệu container vận chuyển cũng bận rộn chở các thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ...

Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp đặt hàng nhiều hơn và sớm hơn mức cần thiết trước đây.

Thông thường, nhu cầu cao điểm đối với vận chuyển đường biển xuyên Thái Bình Dương bắt đầu vào cuối mùa Hè và kết thúc vào mùa Đông.

Nhưng mùa Đông năm ngoái, mùa cao điểm chưa bao giờ kết thúc. Điều này đang gia tăng áp lực lên các nhà máy, nhà kho, tàu và xe tải.

Willy C. Shih, một chuyên gia thương mại quốc tế tại Trường Kinh doanh Harvard nhận định: “Chúng ta có một vòng luẩn quẩn và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-chuoi-cung-ung-toan-cau-se-keo-dai-bao-lau-156974.html