Khủng hoảng năng lượng: Người Đức vẫn loay hoay vì giá khí đốt cao; vắng Nga, chuyên gia lo thế giới thiếu nguồn cung

Ngày 28/12, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu của Đức Robert Habeck nhận định, người tiêu dùng tại Đức sẽ phải chịu tình trạng giá khí đốt duy trì ở mức cao trong một năm tới do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Giá khí đốt tại Đức có thể tiếp tục duy trì ở mức cao. (Nguồn: The Aussie Flashpacker)

Giá khí đốt tại Đức có thể tiếp tục duy trì ở mức cao. (Nguồn: The Aussie Flashpacker)

Ông Robert Habeck cho biết: “Tôi hy vọng rằng, mọi thứ sẽ được cải thiện vào cuối năm 2023, tới thời điểm đó người tiêu dùng sẽ vẫn phải chịu mức giá cao”.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đó khi cơ sở hạ tầng của Đức đủ năng lực để nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế cho lượng khí đốt đến từ Nga thì giá khí đốt có thể được điều chỉnh.

Để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt của Đức, các trạm LNG đang được xây dựng để tạo cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu. Vào giữa tháng 12, địa điểm vận hành trạm chứa và chuyển hóa khí đốt (FSRU) đầu tiên của nước này đã chính thức được vận hành tại Wilhelmshaven.

* Cũng trong ngày 28/12, Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela thông báo, dự trữ khí đốt của nước này đã tăng thêm 42 triệu m³ kể từ cuối tuần trước nhờ thời tiết ấm hơn. Tổng lượng khí đốt dự trữ của Czech hiện đạt 2,917 tỷ m³, tương đương 84% công suất dự trữ cả nước.

Theo ông Sikela, mức tiêu thụ khí đốt của Czech hiện thấp hơn 20% so với mùa sưởi ấm năm ngoái và nước này đang hướng tới mục tiêu tiết kiệm 800 triệu m³ khí đốt.

Trong tuần áp chót năm 2022, mức tiêu thụ khí đốt của quốc gia Trung Âu này thấp hơn gần 25% so với mức trung bình 3 năm, trong khi đó nhiệt độ trung bình hàng ngày cao hơn 0,6 độ C.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Czech, nhờ mức tiêu thụ thấp hơn đáng kể, trong khi lượng dự trữ lớn và nguồn cung LNG đảm bảo, giá khí đốt ở châu Âu đang bị đẩy xuống dưới ngưỡng 80 Euro (khoảng 85 USD)/MWh.

* Giới phân tích cho rằng, bất chấp nguồn cung khí đốt từ Nga giảm, châu Âu vẫn có thể vượt qua mùa Đông này mà không phải cắt giảm cho khách hàng.

Tuy nhiên, việc người dân thay đổi để thích nghi với cảnh mùa Đông lạnh hơn và phải trả nhiều tiền hơn để mua khí đốt vẫn là chưa đủ để ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung trong những năm tới.

Chuyên gia phân tích khí đốt châu Âu Graham Freedman thuộc tổ chức Wood Mackenzie nhận thấy, hiện trên thế giới không có đủ nguồn cung để lấp đầy khoảng trống khí đốt của Nga.

Các dự án LNG mới để tăng nguồn cung dự kiến sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2025, điều này có nghĩa là người châu Âu sẽ phải thích nghi với những ngôi nhà chỉ được sưởi ấm ở mức 18 độ C trong thời gian dài.

(theo Reuters, TTXVN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-nguoi-duc-van-loay-hoay-vi-gia-khi-dot-cao-vang-nga-chuyen-gia-lo-the-gioi-thieu-nguon-cung-211541.html