Khủng long… bán 'khủng' tiền

Nghề đào bới tìm xương khủng long đang nóng. Nhắc đến các bộ xương khủng long, chúng ta thường nghĩ ngay đến hoạt động khảo cổ, việc trưng bày ở viện bảo tàng… ít ai nghĩ đến chuyện tiền bạc. Thế nhưng bộ xương một con khủng long được đặt tên Stan, thuộc loại khủng long bạo chúa T Rex được hãng Christie's đem ra bán đấu giá vào năm 2020, thu về 31,8 triệu đô la Mỹ.

Khủng long bạo chúa Stan, chiều dài hơn 12 mét, chiều cao gần 4 mét, được bán với giá 31,8 triệu đô la Mỹ.

Khủng long bạo chúa Stan, chiều dài hơn 12 mét, chiều cao gần 4 mét, được bán với giá 31,8 triệu đô la Mỹ.

Năm nay bộ xương một con Deinonychus, loài khủng long tạo cảm hứng để nhà làm phim Jurassic Park khai sinh con Velocicrator, bán được 12,4 triệu đô la. Giá một con Gorgosaurus thấp hơn nhưng cũng đem về 6,1 triệu đô la. Thậm chí nhà đấu giá Sotheby’s bán chỉ 1 cái răng của một con T Rex được hơn 100.000 đô la.

Người mua gồm các nhà tài phiệt, các ngôi sao điện ảnh Hollywood, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ cũng như một loạt các cơ sở bảo tàng lịch sử tự nhiên mới xây dựng ở Trung Quốc hay Trung Đông đang cần hiện vật để trưng bày.

Nhà đấu giá Christie’s trước đó cũng chuẩn bị cho cuộc đấu giá vào tháng này bộ xương một con khủng long bạo chúa khác được đặt tên Shen mà hãng kỳ vọng sẽ đem về từ 15-25 triệu đô la.

Tuy nhiên tuần trước Christie’s bất ngờ hủy cuộc đấu giá vì giới chuyên môn đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ về bộ xương này cũng như cách hãng đấu giá quảng bá bằng những lời lẽ mơ hồ. Cũng chính Larson, khi xem kỹ ảnh chụp Shen bỗng nhận ra đầu của Shen quá giống đầu của Stan – các vết sẹo trên đầu Stan cũng xuất hiện ngay đúng vị trí trên đầu Shen, thậm chí bộ răng hai con khủng long hoàn toàn có vị trí như nhau.

Nhóm của ông Peter Larson hiện vẫn giữ bản quyền quyền khai thác hình ảnh bộ xương khủng long Stan, họ bán bộ xương giả làm bằng nhựa polyurethane với giá 120.000 đô la/bộ.

Luật sư của nhóm gửi e-mail, gọi điện chất vấn hãng Christie’s và cuối cùng hãng này phải thừa nhận có bổ sung một số bộ phận trên khung xương Shen nhiều phần sao chụp từ bộ xương của Stan. Hãng Christie’s rút lui cuộc đấu giá, nói để sẽ nghiên cứu thêm rồi tổ chức lại.

Thật ra các bộ xương khủng long chúng ta thấy trưng bày ở các viện bảo tàng đều đã được phục chế, bồi đắp bằng composite. Một bộ xương đầy đủ có từ 300-380 xương nhưng việc khai quật các bộ xương hóa thạch giỏi lắm là tìm được dưới 100 xương còn tương đối nguyên vẹn. Phần còn lại họ phải dùng các phương pháp phục chế bằng các vật liệu hiện đại.

Bộ xương con khủng long Sue nhắc ở đầu bài được viện bảo tàng Field Museum ước tính đạt đến 90% khối lượng xương. Còn một bộ xương khủng long bạo chúa khác đang trưng bày ở Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, được phát hiện năm 1908 thì chưa đạt đến 50%.

Trước đây để trưng bày vì mục đích giáo dục thì không sao nhưng sau khi có làn sóng mua hóa thạch khủng long, tỷ lệ xương thật so với xương phục chế rất được xem trọng vì nó sẽ quyết định giá bán trên thị trường.

Tuy nhiên các nhà cổ sinh vật học tỏ ra lo lắng trước làn sóng thương mại hóa xương khủng long vì dần dần các bộ xương được phát hiện sẽ chạy vào bộ sưu tập riêng của các tỉ phú, công chúng rộng rãi sẽ ngày càng ít được chiêm ngưỡng chúng.

Thị trường càng sôi động sẽ càng kích thích các cuộc đua tranh đào bới; chủ đất sẽ hợp tác với các công ty khai quật vì lý do thương mại hơn là các nhóm nghiên cứu khoa học ít tiền hơn.

Mỹ là một ngoại lệ khi luật pháp quy định chủ đất là chủ sở hữu hóa thạch tìm thấy trên đất của họ; các nước khác như Canada hay Mông Cổ quy định hóa thạch ở bất kỳ đâu cũng là tài sản nhà nước để ngăn ngừa khai quật trái phép.

Thư Kỳ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khung-long-ban-khung-tien/