Khuổi Mèo, mùa cam trĩu cành

Sảng Mộc là xã vùng cao nằm ở phía bắc của huyện Võ Nhai, cách trung tâm huyện gần 60km, diện tích tự nhiên phần lớn là núi đá vôi, gần 99% số hộ là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 51,8%. Tại xóm người Mông đặc biệt khó khăn Khuổi Mèo, người dân đang nỗ lực trồng một số loại cây giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập.

Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, kiểm tra mô hình trồng cam tại xóm Khuổi Mèo.

Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, kiểm tra mô hình trồng cam tại xóm Khuổi Mèo.

Lần này đến Khuổi Mèo, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngay khu vực cổng trường học đã có một quán hàng bán đồ ăn sáng. Đó chính là nhà của ông Ngô Văn Tô, Bí thư chi bộ xóm. Bàn ghế đặt giữa sân, gồm một tấm gỗ lớn kê cao lên và thêm mấy chiếc ghế nhỏ xung quanh. Cạnh bếp ga có mấy cái bát tô, ít mì khô, mấy miếng thịt lợn luộc chín thái sẵn và mấy cọng rau thơm. Ông Tô bảo nhờ kinh tế khá hơn nên một số người dân đã đưa con đến ăn sáng trước khi vào học, thế là có điều kiện mở kinh doanh dịch vụ.

Chuyện trồng cam, ông Tô kể: Những cây cam đầu tiên được trồng năm 2016, cũng là năm xóm xóa được 2 hộ nghèo đầu tiên, năm 2018 thêm 3 hộ, năm nay dự kiến thêm 10 hộ nhưng tổng số hộ nghèo và cận nghèo vẫn cao lắm, 114/119 hộ dân cả xóm.

Hộ chị Lý Thị Vàng, 39 tuổi, có thu nhập cao nhất từ cây cam, hiện là hộ cận nghèo. Với nụ cười rạng rỡ, chị Vàng thật thà kể: Năm 2016, vay ngân hàng 50 triệu để chuyển đổi nương ngô sang trồng cam diện tích khoảng 5 sào. Lúc cam còn nhỏ thì nuôi 2 con trâu, tiền bán trâu đã trả được hết khoản nợ, mấy năm vừa qua tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhiều giống cam khác nhau.

Chị Lý Thị Vàng: Năm nay cam vẫn sai quả như mùa năm trước, ước tính khoảng 20 tấn quả, giá bán tại vườn từ 15 - 25 nghìn đồng/kg. Nhiều người chuyên buôn bán hoa quả ở TP. Thái Nguyên đến tận vườn thu mua, có bao nhiêu cũng bán hết. Thời gian cam cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12, “phải chịu khó chăm, đêm cũng phải lên vườn bắt sâu, không trông sâu nó ăn hết”.

Tiền thu từ cây cam, sau khi trừ mọi khoản chi phí còn gần 300 triệu đồng/năm, mỗi tháng vợ chồng chị Vàng còn có thu nhập trên 10 triệu đồng từ công việc làm thuê, nhưng “thu bao nhiêu lại chi bấy nhiêu, nuôi hai con ăn học, đầu tư vào chăn nuôi, mua thêm cam về trồng, rồi dựng nhà… còn nghèo lắm”.

Ông Ngô Văn Tô tự hào cho biết những năm gần đây, bà con người Mông ở Khuổi Mèo đã bắt đầu có lực để đầu tư trồng rừng và cây ăn quả, quan trọng nhất là thay đổi tư duy từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Cả xóm hiện có khoảng hơn 10ha cam sành của 15 hộ, hộ ít 300 cây, hộ nhiều cả nghìn cây.

Nhà nước cấp giống và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây có múi. Bà con tự rủ nhau đến các vùng cam lớn tại Hàm Yên (Tuyên Quang) để học cách tỉa cành, tra phân. Một số vườn cam đã được cho thu hoạch, chất lượng rất thơm, ngọt. Hầu hết các giống cam ngon đều đã bắt đầu bói quả như canh sành Hàm Yên, cam Vinh, cam Cao Phong, các giống mới lai tạo như VH, V02, V06…

Kể từ năm 2015, theo Đề án 2037 của tỉnh, bà con trong xóm được cấp hạt giống ngô lai và phân bón, từ đó, bà con đã biết dùng phân bón cho cây trồng và bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình ông Tô chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng 300 cây cam từ năm 2016.

Sau 3 năm, cam bắt đầu cho quả, đến nay cứ đến dịp cuối năm là cam chín sai trĩu cành, có cây đến gần 1 tạ quả. Cam trồng tự nhiên hoàn toàn không sử dụng hóa chất để trừ sâu bệnh nên chất lượng thơm, ngọt. Các vườn khác của xóm cũng vậy, đến thời gian thu hái thì người dân các xã lân cận tìm vào mua hết không có để bán ra bên ngoài.

Trước đây, bà con thường mua giống cây có nguồn gốc trôi nổi nhưng nay đã rất cẩn thận chọn lựa những địa chỉ cung cấp uy tín để mở rộng diện tích, thay thế những cây kém chất lượng. Nhiều kỹ thuật mới cũng được áp dụng, như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược trừ sâu đục thân đục rễ, lắp bóng kéo dây điện lên vườn cam thắp sáng suốt đêm để xua đuổi côn trùng, sâu bướm, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm…

Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, chia sẻ: Thời gian vừa qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là Đề án 2037, bà con nhân dân Sảng Mộc, nhất là xóm Khuổi Mèo đã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô phù hợp với đặc điểm địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với phát triển nuôi nhốt trâu bò, các hộ dân đã đưa cây cam, quế vào trồng với diện tích khá lớn.

Sảng Mộc đã bắt đầu hình thành được vùng cam đặc sản tại nhiều xóm với tổng diện tích trên 100ha, trong đó xóm Khuổi Mèo hơn 10ha, đặc biệt mô hình cam chất lượng cao tại xóm Nà Ca với hơn 20ha, sản lượng trên 100 tấn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sự nỗ lực của đồng bào đã đem lại cuộc sống ấm no cho vùng cao, người dân giờ đây không chỉ ăn no mặc ấm mà đã được ăn ngon mặc đẹp, các cháu nhỏ được ăn những bữa sáng giàu dinh dưỡng, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh 10% mỗi năm.

Những ngôi nhà khang trang to đẹp bắt đầu hiện diện ở xóm vùng cao vốn rất đói nghèo. Thêm một điều rất đáng kể ở Khuổi Mèo là mô hình “bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khi hậu” đã giúp người dân giữ gìn môi trường đặc biệt tốt, rác thải được thu gom xử lý theo quy định, đường đi lối lại rất sạch sẽ gọn gàng. Bắt đầu từ những việc nhỏ này, chắc chắn sẽ có những đổi thay tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Hương Ly

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/khuoi-meo-mua-cam-triu-canh-e571cdb/