Kí ức về mùa thu cách mạng
Tháng Tám về cũng là lúc cả nước rợp cờ hoa chào mừng kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Trong dòng hồi ức của những cán bộ tiền khởi nghĩa mà chúng tôi có dịp gặp, hào khí những năm tháng làm cách mạng năm nào lại trở về vẹn nguyên.
Sôi sục khí thế ngày tiền khởi nghĩa
Trong căn nhà nhỏ nằm ở một góc phố của thành phố Đông Hà, chúng tôi gặp lại người cán bộ tiền khởi nghĩa Hoàng Phùng. Dù 74 năm trôi qua nhưng kí ức về quãng đời hoạt động cách mạng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945 vẫn còn như ngày hôm qua. Những ngày tháng Tám năm 1945, hòa chung không khí nổi dậy giành chính quyền trên cả nước, các vùng quê của Quảng Trị cũng ráo riết chuẩn bị để giành chính quyền khi thời cơ đến. Ông Phùng kể, ông may mắn được các cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa ở huyện Cam Lộ tin tưởng, giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Những lúc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, ông rất phấn khởi khi thấy mỗi người dân đều có tinh thần yêu nước, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng. Ông Phùng cho biết: “Tại huyện Cam Lộ, không khí những ngày tiền khởi nghĩa diễn ra rất khẩn trương và náo nhiệt. Sau khi được tuyên truyền, mỗi người dân đều hưởng ứng mạnh mẽ, chuẩn bị đầy đủ cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu, vũ khí đấu tranh… và có mặt tại sân vận động huyện Cam Lộ từ sáng sớm. Dù số người tập trung đông lên đến hàng vạn nhưng ai cũng trật tự, nghiêm trang, trang phục chỉnh tề. Tại buổi mít tinh, tôi ấn tượng nhất là những lá cờ đỏ sao vàng đủ kích cỡ, chủ yếu do người dân tự làm. Là người trực tiếp tham gia mít tinh cùng hàng vạn người dân, trong lòng tôi rất phấn khởi. Đó là những phút giây rạo rực nhất trong quãng đời trai trẻ của tôi, cảm giác được làm chủ trên chính mảnh đất của mình đến bây giờ vẫn vô cùng xúc động”.
Không chỉ tập trung tại sân vận động, khí thế của ngày tiền khởi nghĩa còn lan đến mọi ngõ xóm, đường quê trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đi nơi đâu cũng ngập tràn không khí khởi nghĩa, chờ thời cơ đến để sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Để đảm bảo an toàn cho các tầng lớp nhân dân trong quá trình khởi nghĩa, các cán bộ cách mạng chú trọng xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, đồng thời đến trụ sở của quân Nhật trên địa huyện Cam Lộ tuyên truyền, vận động, tạo áp lực, khống chế để quân Nhật không phản kháng khi nhân dân mít tinh, biểu tình…Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, hình ảnh làm ông Phùng nhớ nhất là những người phụ nữ, từ thân phận nô lệ, bị kìm hãm, lực lượng phụ nữ đã vùng lên mạnh mẽ. Về các thôn xóm, chị em say sưa múa nhảy như ngày hội lớn. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Trị đã góp phần cùng cả nước dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là cuộc đổi đời của nhân dân ta sau 80 năm trời nô lệ. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Trị đứng lên làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh mình. Người dân bắt đầu hướng đến tương lai tươi sáng của dân tộc và của chính mình trong hòa bình, tự do, dân chủ và phát triển.
“Cách mạng Tháng Tám đã truyền lửa đấu tranh cho tôi”
Trong kí ức của ông Phan Bá Phù, thôn Hà Xá, xã Triệu Ái (Triệu Phong), những ngày khởi nghĩa giành chính quyền vẫn được ông nhớ mãi. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông Phù vẫn còn rất minh mẫn, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông vẫn còn nhớ rạch ròi những năm tháng tuổi xuân đi làm cách mạng. Theo dòng hồi ức của ông Phù, chúng tôi được trở về với không khí sục sôi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại xã Triệu Ái. Bước vào năm 1945, được sự chỉ đạo của cấp trên, các chi bộ đảng trên địa bàn xã Triệu Ái đã lãnh đạo gấp rút thành lập các đội tự vệ luyện tập quân sự, đội tuyên truyền xung phong, tổ chức quyên góp tiền, gạo, thực phẩm, tuyên truyền quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh. Đến tháng 8/1945, sau khi được cấp trên phổ biến những vấn đề quan trọng chuẩn bị khởi nghĩa, hầu hết nhân dân trong các làng của xã Triệu Ái dưới sự chỉ đạo của các chi bộ đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi lệnh tổng khởi nghĩa được phát ra, lực lượng khởi nghĩa các làng trên địa bàn xã Triệu Ái từ ngã ba Hà Xá kéo vào theo dọc Quốc lộ 1 tập kết tại bãi cát làng Ái Tử nằm trong lực lượng của tổng An Đôn. Đến khuya 23/8/1945, lực lượng bắt đầu tiến về thị xã Quảng Trị. Từng đoàn người với gậy gộc, giáo mác, băng cờ, khẩu hiệu… vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại- Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”. Vào đến sông Thạch Hãn, do người quá đông, đò ngang chở không kịp nên nhiều đoàn khởi nghĩa của các làng phải lội bộ qua bến Hộ để đến địa điểm tập trung trước dinh tỉnh trưởng đúng thời gian quy định. Kể đến đây, như chợt nhớ ra điều gì, ông Phù ngồi trâm ngâm một lúc rồi tiếp: “Thời điểm diễn ra khởi nghĩa, anh trai tôi là Phan Bá Giáo, lúc ấy tròn 25 tuổi đã mang theo mũi sảy cùng hòa vào đoàn người đi khởi nghĩa, sau đó ở lại chiến đấu tại thị xã Quảng Trị. Trước khí thế sục sôi của những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, bản thân tôi háo hức tham gia. Chính khí thế ấy đã tiếp cho tôi thêm động lực, tiếp “lửa” đấu tranh để tôi tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cống hiến một phần sức mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Đến rạng sáng ngày 23/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lị Quảng Trị thành công. Đồng chí Trần Hữu Dực thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn. Thời điểm ấy, ông Phù nhớ rất rõ là dưới sân dinh tỉnh trưởng, nhân dân kéo đến ngày một đông với tinh thần phấn khởi, niềm vui khôn tả trong giờ phút lịch sử trọng đại của quê hương, đất nước. Nhớ về ngày Quốc khánh 2/9 cách đây tròn 74 năm, ông Phù xúc động cho biết: “Trong niềm vui khôn tả cùng đồng bào cả nước trong ngày độc lập của dân tộc, tôi cùng người dân Triệu Ái như trút bỏ mọi gánh nặng, lòng vui như mở hội, người người gặp nhau tay bắt mặt mừng, chào hỏi nhau thân mật, nhà nhà đều tự sắm cờ đỏ sao vàng treo trước ngõ. Cùng với đó, người dân cũng hồ hởi, nô nức tham gia các công việc của quê hương như dự mít tinh, hội họp, ra sức bảo vệ an ninh thôn, xóm, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Thanh niên trong làng tự biên tự diễn các chương trình văn nghệ, ca hát các bài ca cách mạng, tạo không khí nhộn nhịp, lành mạnh trong thôn, xóm, cộng đồng dân cư”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141892