Kịch bản 'nỗi đau người Kurd' có thể lặp lại ngay ở châu Âu dưới thời Trump
Chính phủ Mỹ đã bỏ rơi người Kurd tại Syria. Nếu châu Âu không tự tăng cường quốc phòng, người Ba Lan, Latvia có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Châu Âu trở thành “khán giả” trước tình hình Syria
Tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy) nổi tiếng của Mỹ vừa có bài phân tích cho biết, những chiến binh người Kurd ở miền Bắc Syria đã từng cùng Chính phủ Mỹ chiến đấu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong nhiều năm - nhưng đã bị bỏ rơi sau quyết định đột ngột rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nay chính họ đang hứng chịu cuộc tấn công dồn dập từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm dựng lên một vùng đệm rộng kéo dài 20 dặm tại miền Bắc nước Cộng hòa này.
Hiện nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang lên kế hoạch chuyển một phần lớn người tị nạn Syria đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực này nhằm giảm áp lực chính trị nội địa trước tình hình tị nạn gia tăng.
Quyết định của Tổng thống Trump rõ ràng là thảm họa mang tính chiến lược đối với khu vực Trung Đông nói chung và phía Bắc Syria nói riêng.
Theo bình luận từ tờ Foreign Policy, Nhà Trắng đã bỏ rơi không chỉ một đồng minh thân cận mà còn buông xuôi mọi nỗ lực quan trọng để kiểm soát hàng chục nghìn tù nhân từ tổ chức Khủng bố IS.
“Điều đó khiến chúng tôi vô cùng lo lắng, IS có thể trỗi dậy từ đây”, người đứng đầu chính sách ngoại giao EU Federica Mogherini nói. Trong khi đó, trước câu hỏi: Liệu châu Âu có thể làm gì trước tình hình đó, người được cho là sẽ kế nhiệm bà Mogherini chính là Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell đã siết chặt tay và nói: “Chúng tôi không có sức mạnh thần kỳ ấy”.
Mặt khác, ông Borrell chỉ trích: “Nếu quân đội Mỹ không rút quân, cuộc tấn công đó đã không xảy ra” nhưng Ngoại trưởng Tây Ban Nha lại không đề cập tới thực tế: Không hề có bất cứ bóng dáng binh lính châu Âu nào sẵn sàng thế chỗ của Mỹ và không quốc gia Âu châu nào có ý định thực hiện điều đó kể cả khi họ có quân.
Thiếu ý chí và nhân lực sẵn sàng để nhanh chóng điều quân lấp đầy khoảng trống quan trọng ở khu vực, châu Âu thực sự đã đẩy mình trượt xuống vị trí khán giả, đứng nhìn và không tham gia vào thế cuộc.
Hiện nay, chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad làm điều đó, họ tự biến mình thành người bảo vệ cho người Kurd cũng bảo đảm ổn định cho khu vực.
Bài học cho chính các nước châu Âu
Không chỉ vậy, bản thân nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng cần phải coi sự việc với người Kurd là bài học cho chính mình. Hiện tại, các nước Baltic đang phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ trước mâu thuẫn với Nga và hoàn toàn có thể bị tấn công rất nhanh nếu Moscow động thủ.
Song, thực tế, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, việc bảo vệ châu Âu với Mỹ không còn là nhu cầu chiến lược. Trong khi đó, EU lại cần Mỹ bởi khối này mới chỉ mạnh về kinh tế - có thể áp đặt những trách nhiệm toàn cầu đối với một số công ty lớn nhất thế giới - nhưng họ chưa phải là siêu cường về quân sự.
Đó chính là lý do vì sao nhiều nước châu Âu như: Ba Lan, Romania cùng một số nước Baltic nhỏ ở khu vực phía Bắc Âu đã phải vật lộn để đảm bảo Mỹ hiện diện quân sự tại quốc gia mình.
Chẳng hạn với Ba Lan, tuy không dám chắc liệu họ có thể dựa dẫm vào Washington hay không nhưng vẫn nỗ lực mời 3.500 lính Mỹ tới đồn trú tại khu vực được gọi là căn cứ “Fort Trump” và dù nghèo hơn nhưng nước này sẵn sàng chi trả một phần chi phí cho kế hoạch.
Do Mỹ không mặn mà với ý tưởng này nên Ba Lan không khỏi e ngại và phải chú ý nhìn thái độ của ông Trump để tùy nghi ứng xử.
Các chuyên gia cho rằng, các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu nên đánh giá kỹ tác động từ chủ nghĩa tự cô lập ngày càng gia tăng của Washington, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và tập trung vào cải thiện, củng cố bền vững các mối quan hệ và liên minh hiện có với Mỹ hoặc tìm phương án dự phòng.