Kích cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn (Bài 2): Những thành quả bước đầu
Là một cảng biển non trẻ hơn rất nhiều so với các cảng biển truyền thống đã có thương hiệu lâu năm trên cả nước, với những nỗ lực của cả chính quyền và các nhà đầu tư khai thác, sau gần 2 thập kỷ, Cảng Nghi Sơn đã từng bước khẳng định vị thế quan trọng trong hoạt động thu ngân sách Nhà nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời tạo sức hút đầu tư và động lực phát triển cho Thanh Hóa và các vùng lân cận.
Hãng tàu của Tập đoàn CMA CGM thực hiện dịch vụ XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Sớm ghi danh trên bản đồ hàng hải quốc tế
Lợi thế cảng nước sâu cùng kết nối giao thông thuận lợi đã dần được minh chứng bằng sự phát triển vượt bậc của Cảng Nghi Sơn cả về sản lượng hàng hóa và số thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa. Theo số liệu từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, tỷ trọng hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn những năm gần đây đạt trên 41 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh).
Con số thu ngân sách nhờ thuế XNK qua cảng trong những năm gần cũng tăng trưởng vượt trội, khi năm 2017 mới chỉ đạt 1.430 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 22,8 triệu tấn.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, để “đi tắt, đón đầu” sự quan tâm, dịch chuyển của các hãng vận tải, các doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, ngay từ năm 2019 tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn ban hành cơ chế “kích cầu” bằng các Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND, ngày 4-4-2019 về hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế tại Cảng Nghi Sơn; Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND, ngày 6-12-2020 về hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn; Nghị quyết số 115/2021/NQ-HĐND về việc ban hành trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.
Chính sách kịp thời này đã sớm mang lại “tin vui”, khi ngay trong năm 2019, Cảng Nghi Sơn đã “lọt mắt xanh” của Tập đoàn CMA CGM - tập đoàn vận chuyển container đứng đầu nước Pháp và lớn thứ 3 trên thế giới mở tuyến vận tải qua cảng với tần suất 1 chuyến/tuần. Trong 3 năm sau đó, hãng tàu này đã thực hiện được 91 chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế, với số thu ngân sách mang lại cho tỉnh Thanh Hóa khoảng 1.180 tỷ đồng.
Từ những chuyến tàu của Tập đoàn CMA CGM đã đưa hàng hóa từ Cảng Nghi Sơn xuất khẩu tới 41 quốc gia tại 114 cảng biển, đưa hàng nhập khẩu đến từ 11 nước và 24 cảng với hầu hết các châu lục (trừ châu Phi) thông qua việc nối tuyến. Ngoài tăng thu ngân sách thông qua hoạt động thu thuế XNK, Cảng Nghi Sơn đã được biết đến trên bản đồ quốc tế, được nhiều hãng tàu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Kỳ vọng từ chính sách vượt trội
Để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và DN thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động XNK qua hệ thống Cảng Nghi Sơn, ngày 13-7-2022 HĐND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND (NQ 248) về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.
Theo đó, chính sách từ NQ 248 đã tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các DN vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Nghi Sơn Cao Minh Xuân - đơn vị vận hành Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn chia sẻ: “Có thể nói, đây là chính sách hỗ trợ tốt nhất trong hệ thống cảng biển ở Việt Nam. Theo tính toán của đơn vị, với các DN, chính sách này sẽ bù đắp được phần chi phí đường bộ đến Nghi Sơn hiện cao hơn Cảng Hải Phòng, điều khiến DN trước đó chưa mặn mà chuyển dịch vụ về Cảng Nghi Sơn. Cùng với việc các hãng tàu được nâng mức hỗ trợ lên 500 triệu đồng/chuyến và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng với tàu container nội địa sẽ là cơ hội để các hãng tàu có thể giảm giá cước cho các DN. Từ đó, kỳ vọng tạo bước ngoặt trong thu hút đầu tư cả hãng tàu và DN về với Cảng Nghi Sơn”.
Khi chính sách mới từ NQ 248 ban hành, những ngày cuối cùng năm 2022, hãng vận tải CMA CGM cũng đã quay trở lại thực hiện dịch vụ vận tải tuyến container qua Cảng Nghi Sơn sau 2 năm gián đoạn. Vào ngày 13-1-2023, chuyến tàu mang tên Cape Quest có trọng tải 25.000 tấn, tương đương 2.200 TEU của Tập đoàn CMA CGM đã cập Cảng Nghi Sơn để vận chuyển 364 TEU đi Hồng Kông (Trung Quốc). Theo đại diện hãng CMA CGM thì đây là chuyến tàu có tải trọng lớn nhất từ trước tới nay của hãng thực hiện dịch vụ qua Cảng Nghi Sơn. Cùng với hãng tàu của Tập đoàn CMA CGM, Cảng Nghi Sơn cũng đã thu hút thêm hãng tàu VIMC thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam mở tuyến vận tải container qua Cảng quốc tế Nghi Sơn đi Ấn Độ. Từ khi tuyến container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn được khởi động lại, 2 hãng CMA CGM và VIMC đã thực hiện 25 chuyến tàu container qua cảng.
Cũng theo ông Cao Minh Xuân, sự quan tâm của DN cũng đã khiến lượng hàng hóa container trên mỗi chuyến tàu tăng lên đáng kể, với trung bình khoảng 400 TEU/chuyến (giai đoạn trước chỉ đạt 100-200 TEU/chuyến), kỳ vọng tăng hiệu quả hoạt động của hãng tàu cũng như tạo cơ hội để các hãng tàu chia sẻ giá cước cùng DN.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện nay có 109 DN đã đăng ký thực hiện thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn. Trong những tháng đầu năm 2023, có 17 DN mới đăng ký làm thủ tục hải quan qua cảng. Ngoài DN có trụ sở tại Thanh Hóa thì có thêm 13 DN ngoài tỉnh như TP HCM, Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Bình Định, Ninh Bình... cũng đã thực hiện chuyển dịch vụ XNK về Cảng Nghi Sơn.
Ông Lê Trọng Thức, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hoàng Minh chia sẻ: "DN có trụ sở chính tại tỉnh Bình Dương nhưng và có nhà máy chế biến lâm sản và sắn tại tỉnh Nghệ An. Từ cuối năm 2022, được biết tới chính sách hỗ trợ mới của tỉnh Thanh Hóa và cơ chế hỗ trợ thủ tục nhanh chóng qua Cảng Nghi Sơn, DN này đã “đổi hướng” tìm hiểu và đặt dịch vụ ngay từ chuyến cập cảng đầu tiên của hãng CMA CGM với một khối lượng hàng hóa lớn. Mặc dù chi phí vận tải qua Cảng Nghi Sơn vẫn còn cao hơn so với Cảng Hải Phòng nhưng DN đã được bù đắp một phần chênh lệch từ chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian tới, DN sẽ tiếp tục hợp tác và là khách hàng thường xuyên của Cảng Nghi Sơn, kể cả hàng rời và hàng container”.
Được biết, ngoài “lực” kích cầu từ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 248/2022/HĐND của HĐND tỉnh, để thu hút DN XNK qua Cảng Nghi Sơn, ngay từ đầu năm Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn đã tăng cường phối hợp với đơn vị khai thác dịch vụ cảng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, xúc tiến đầu tư, thực hiện nhanh gọn các cơ chế, chính sách và tạo điều kiện để DN thông quan hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn Lê Hồng Phong cho biết: “Cùng đồng hành hỗ trợ các hãng tàu, các DN tham gia phát triển dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn, chúng tôi sẽ thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh đến các nhà đầu tư, hãng tàu và DN tìm hiểu vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn; hỗ trợ pháp luật về hoạt động hải quan, thông quan cho các DN XNK. Cùng với đó, đơn vị hiện đang chú trọng nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, áp dụng phương thức điện tử để rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục hành chính, tăng cường cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục thông quan hàng hóa nhằm giảm chi phí lưu kho bãi, giải phóng container để các DN quay vòng đóng hàng hóa XNK. Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn hiện đang thực hiện làm việc 24/7 để đáp ứng nhanh nhất, kịp thời nhất thủ tục thông quan hàng hóa cho DN khi thực hiện dịch vụ qua Cảng Nghi Sơn”.
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài cuối: Quyết tâm cao với tư duy đột phá để thu hút thêm doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cảng Nghi Sơn.