Kiềm chế cháy trước thềm năm mới

Hiện nay, khi bước vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2024 và cũng là giai đoạn chuyển sang mùa khô, nguy cơ cháy bắt đầu diễn biến phức tạp. Nhất là khi người dân, doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có thể lơ là nguy cơ cháy.

Các lực lượng phối hợp diễn tập chữa cháy, cứu người tại Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai (TP.Biên Hòa) vào tháng 11-2023. Ảnh: MINH THÀNH

Các lực lượng phối hợp diễn tập chữa cháy, cứu người tại Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai (TP.Biên Hòa) vào tháng 11-2023. Ảnh: MINH THÀNH

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Thời điểm này, các siêu thị, chợ tích trữ hàng hóa phục vụ mua sắm trước và sau Tết. Trong mỗi gia đình lại bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, gom rác, lá khô đi đốt. Cùng với đó, người dân bắt đầu đốt vàng mã, thắp nhang vào những ngày quan trọng theo từng tín ngưỡng, tôn giáo.

Khoanh vùng các nguy cơ cháy

Theo Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, đây là lúc nguy cơ cháy diễn biến phức tạp. Trong đó nguy cơ cháy được khoanh vùng trọng tâm tại các khu vực là: siêu thị, chợ và khu dân cư (những nơi vốn tập trung đông người, thường phát sinh nguồn nhiệt trong quá trình nấu nướng; đốt cỏ, rác).

Cụ thể, qua kiểm tra 7 siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.Biên Hòa trong tháng 1-2023, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh ghi nhận, lượng hàng hóa liên tục được nhập về với số lượng lớn. Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại cũng dự báo lượng khách ra vào, mua sắm trong 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ tăng 2-3 lần bình thường. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm, hàng hóa liên tục được chuyển từ nhà kho ra sạp hàng; thang máy, máy lạnh, bếp điện cũng hoạt động hết công suất.

Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh đã tuyên truyền hơn 2,5 ngàn lớp với hơn 376 ngàn người tham gia. Đồng thời tổ chức 45 buổi tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường trọng điểm và phát hơn 178 ngàn cẩm nang, tờ rơi, tài liệu khuyến cáo cho các hộ dân kinh doanh, các cơ sở.

Bên cạnh đó, tại các khu dân cư, trong thời điểm hiện nay lại xuất hiện tình trạng người dân gom rác, lá khô, một số đồ dùng cũ (bàn ghế salon, nệm) ra đốt sau khi dọn dẹp nhà cửa. Vị trí được gom đốt là tại các bãi đất trống, vỉa hè; tuy nhiên không ít người chủ quan, chỉ nhóm lửa xong rồi để tự tắt chứ không canh chừng, quan sát. Điều này khiến ngọn lửa dù đã tắt nhưng vẫn còn cháy âm ỉ và dễ bùng phát khi có gió lớn và bén vào các công trình gần đó.

Thống kê từ lực chức năng, trong năm 2023, trên toàn tỉnh xảy ra 108 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 2 người, thiệt hại tài sản ước tính 24,05 tỷ đồng. So với năm 2022, số vụ cháy tăng 1 vụ, số người chết tăng 1 người, số người bị thương tăng 2 người, thiệt hại tài sản giảm 124,1 tỷ đồng.

Tình hình cháy chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, công ty, cơ quan doanh nghiệp (16 vụ, thiệt hại 18,04 tỷ đồng); tại nhà dân (16 vụ, thiệt hại 93 triệu đồng); phương tiện giao thông (10 vụ, thiệt hại 1,87 tỷ đồng)… Đáng chú ý, trong 108 vụ cháy thì có đến 63 vụ cháy cỏ, bãi phế liệu… với thiệt hại đang được thống kê.

Ra quân cao điểm PCCC dịp Tết

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024 của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh mới đây, đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC toàn tỉnh đảm bảo duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các đơn vị có xe chữa cháy để sẵn sàng huy động ứng phó sự cố cháy, nổ. Đặc biệt lưu ý dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư trong đô thị.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra việc bố trí hàng hóa trong kho hàng tại các trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh Minh Thành

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra việc bố trí hàng hóa trong kho hàng tại các trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh Minh Thành

Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ chú trọng PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke - nơi nhiều người chọn đi “tăng 2”, “tăng 3” sau các buổi liên hoan, tất niên. Nhất là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện các cơ sở hoạt động “chui” (dù đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ) để xử lý, kiên quyết không bỏ qua các trường hợp cố tình vi phạm.

Cùng với đó, UBND TP.Biên Hòa đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, Công an thành phố, chủ tịch UBND 30 phường, xã, ban quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh… thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Trong đó chú trọng thông báo các biện pháp an toàn PCCC trong việc sử dụng điện và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt đến các cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và các chủ hộ gia đình. Nhất là trong thời gian ban đêm hoặc khi ngưng sản xuất, kinh doanh vẫn phải duy trì cảnh giác với cháy, nổ.

Để nhắc nhở tinh thần cảnh giác với cháy, nổ, UBND TP.Biên Hòa yêu cầu UBND 30 phường, xã, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tiến hành phát thanh nội dung tuyên truyền PCCC đều đặn 2 lần/ngày. Đồng thời thường xuyên tự kiểm tra công tác an toàn PCCC tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở, khắc phục các vi phạm, các nguy cơ cháy, nổ.

UBND TP.Biên Hòa cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thông báo đến doanh nghiệp, hộ gia đình tự giác dỡ bỏ các bộ phận cơi nới, lều lán, mái vảy (bằng các vật liệu dễ cháy) sát nhau. Đồng thời tiến hành giải phóng các vật cản trên các đường hẻm, ngõ xóm như barie, rác thải... để tạo điều kiện cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Về biện pháp “dài hơi”, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, UBND tỉnh sẽ tổ chức tập huấn Thông tư số 09/2023/TT-BXD ngày 16-10-2023 của Bộ Xây dựng về ban hành Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Trong đó, sẽ đối thoại với các doanh nghiệp còn khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC trên toàn tỉnh.

Việc này sẽ nâng cao nhận thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC khi tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng. Đồng thời sẽ có sự trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nói trên.

Đại tá HOÀNG NGỌC HUYNH, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an:

Tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở

Công an tỉnh cần tiếp tục tập trung xây dựng, tổ chức các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong khu dân cư, các cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ. Các phương án này phải phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo phù hợp với nguy cơ cháy, nổ của từng loại hình cơ sở, từng khu dân cư.

Cùng với đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở; kiên quyết xử lý các vi phạm trên lĩnh vực PCCC khi phát hiện. Trong quá trình kiểm tra phải chỉ rõ những sơ sót, vi phạm và yêu cầu cơ sở khắc phục trong thời hạn cho phép.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ siêu thị Co.opmart Biên Hòa BÙI THANH NGUYÊN:

Chủ động triển khai phòng cháy dịp cận Tết

Trung bình mỗi ngày siêu thị có hơn 1 ngàn lượt khách ra vào mua sắm, nhưng những ngày cận Tết Nguyên đán sắp tới, dự báo sẽ tăng đến gần 3 ngàn lượt. Cùng với đó, lượng hàng hóa đổ dồn về sẽ gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Chính vì vậy, chúng tôi tập trung đảm bảo an toàn PCCC bằng các giải pháp trọng tâm là: lập kế hoạch PCCC cho đợt cao điểm mua sắm Tết; tăng cường huấn luyện cho nhân viên các khu vực và bảo vệ siêu thị; rà soát lại toàn bộ hệ thống điện, hệ thống báo cháy, phương tiện chữa cháy của siêu thị; tuyên truyền PCCC cho nhân viên, khách hàng thông qua loa nội bộ siêu thị…

Đăng Tùng (ghi)

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202401/kiem-che-chay-truoc-them-nam-moi-efb3dad/