Kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định trở lại, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân, các cơ sở dịch vụ ăn uống tăng lên. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các cấp, ngành có liên quan, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Đảo tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Đảo tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có 761 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó, có 2 cơ sở giết mổ tập trung và 759 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Bình quân mỗi ngày, các cơ sở này giết mổ gần 800 con gia súc và hơn 6.000 con gia cầm để cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ mới chỉ được thực hiện ở 2 nhà máy giết mổ tập trung và 2 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận (GCN) đảm bảo an toàn thực phẩm, với khoảng 25 con gia súc và hơn 1.700 con gia cầm được kiểm soát/ngày.

Số lượng còn lại được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công, nằm trong khu dân cư. Các cơ sở này không được UBND các huyện, thành phố cấp phép hoạt động; trang thiết bị, dụng cụ giết mổ thô sơ; hệ thống xử lý chất thải, nước thải không đảm bảo; chưa có khu giết mổ riêng biệt... nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Để quản lý tốt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ, các điểm thu gom, trung chuyển gia súc, gia cầm, lấy mẫu thịt kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, lấy mẫu nước tiểu động vật test nhanh chất cấm… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động giết mổ nhằm nâng cao ý thức của cán bộ quản lý, chủ cơ sở làm nghề giết mổ và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm; tuân thủ đúng quy trình cấp GCN kiểm dịch động vật, GCN đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Từ năm 2021 đến nay, chi cục đã cấp hơn 17.500 GCN kiểm dịch động vật; 2 GCN đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho 2 cơ sở giết mổ, sơ chế thịt gia súc, gia cầm.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chi cục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thống kê, cập nhật các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để theo dõi, quản lý; yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết không giết mổ động vật chưa rõ nguồn gốc; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y; tích cực vận động các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung.

Thực hiện chỉ đạo của chi cục, trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố đã tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm từ khâu vận chuyển đến quá trình thực hiện giết mổ.

Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Đảo Phạm Bá Ngọc cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 1 cơ sở giết mổ tập trung, 1 cơ sở được UBND huyện cấp phép hoạt động và hơn 100 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và cung cấp nguồn thực phẩm sạch, trạm thường xuyên đánh giá cơ sở vật chất, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại nhà máy giết mổ tập trung ở thị trấn Hợp Châu và cơ sở giết mổ được cấp phép tại xã Hồ Sơn theo đúng thẩm quyền.

Đối với các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công trên địa bàn, trạm chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã tích cực hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở này vào các khu giết mổ tập trung để kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm; đầu tư trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Tuy nhiên, để việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gắn với xây dựng nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến; xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ khâu chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; quan tâm việc quy hoạch, tạo quỹ đất để xây dựng các khu giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nằm xa khu dân cư.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78152/kiem-soat-chat-che-hoat-dong-giet-mo-gia-suc-gia-cam.html