Kiểm soát chặt ngay từ khâu soạn thảo

50% quy định về thủ tục hành chính, 4 lần số lượng hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề lưu trữ của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, gần 40% thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính, hơn 60% quy định về yêu cầu điều kiện kinh doanh lĩnh vực lưu trữ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ được cắt giảm theo quy định của Luật Lưu trữ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy và các văn bản hướng dẫn Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Có lẽ chưa có thống kê cụ thể với các văn bản luật mới được ban hành trong thời gian qua đã có tổng số bao nhiêu thủ tục hành chính được kiểm soát, cắt giảm ngay trong quá trình soạn thảo, ban hành, nhưng những con số trên đây đối với một luật cụ thể cũng cho thấy, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho đầu tư kinh doanh đang được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu soạn thảo. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hiện nay khi sự phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 vẫn còn chậm so với kỳ vọng, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn do một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, chậm được sửa đổi, thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà...

Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính luôn là câu chuyện được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận, xem xét, biểu quyết thông qua các dự luật, nhất là các dự luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh. Dù vậy, nếu không có sự chủ động từ chính cơ quan trực tiếp soạn thảo các dự luật, tiếp đó là các cơ quan thẩm định, thẩm tra thì các đại biểu Quốc hội cũng không thể tự mình thẩm định, đánh giá, sàng lọc được hết những quy định có thể tạo nên gánh nặng tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như với Luật Lưu trữ (sửa đổi) kể trên, Bộ Nội vụ trong quá trình tham mưu xây dựng Luật đã chủ động rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, yêu cầu điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực lưu trữ. Các quy định này khi sang Quốc hội lại tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, hoàn thiện thêm một bước.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy một thực tế là, sự kiểm soát từ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với các thủ tục hành chính là không dễ, bởi ngay cả khi luật được ban hành đã đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính thì văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn có thể phát sinh, quy định thêm các thủ tục khác hoặc thậm chí là trái với quy định của luật mà với cơ chế hiện nay chưa thể ngăn chặn kịp thời.

Chính vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ hơn việc có thể phát sinh thêm các thủ tục hành chính gây phiền toái, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu với Chính phủ phải tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và thống kê, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo đúng kế hoạch đề ra.

Song song với việc cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa các thủ tục hành chính đã có, một giải pháp cốt lõi nữa cũng được Quốc hội đưa ra là, phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với các quy định về thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, thủ tục hành chính sẽ được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều này thể hiện rõ nét tinh thần kiến tạo phát triển trong hoạt động xây dựng pháp luật, đồng thời cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành phải thực sự công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và phải dám gạt bỏ những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm có thể được cài cắm trong các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Dài hơi hơn, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục hoàn thiện quy định về đánh giá tác động chính sách, nhất là tác động về thủ tục hành chính, phải lượng hóa cụ thể các thủ tục hành chính kèm theo dù ở văn bản luật hay văn bản hướng dẫn thi hành luật, với tinh thần: quy định có lợi cho người dân, doanh nghiệp thì khó mấy cũng phải thực hiện, còn quy định, thủ tục gây phiền hà, nhũng nhiễu, gia tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp thì phải tuyệt đối tránh.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/kiem-soat-chat-ngay-tu-khau-soan-thao-i380361/