Kiểm soát quyền lực

PTĐT - Lâu không gặp, dạo này tôi thấy ông H làm cùng cơ quan chú thay đổi nhiều quá. Sáng nay gặp ông ấy ở hội nghị, tôi đến chào thấy ông ấy lạnh nhạt, quan cách, vừa hờ hững bắt tay tôi, ông ấy vừa quay sang lớn tiếng mắng cậu cán bộ không chú ý thông báo với ban tổ chức, lấy tài liệu cho ông vào họp trước mặt bao nhiêu người làm tôi cũng thấy ngại…

- Không phải riêng bác nhận thấy đâu, nhiều người đã có ý kiến về những biểu hiện tiêu cực trong lối sống gần đây của anh H rồi. Từ khi được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, anh ấy thay đổi hoàn toàn trong tác phong giao tiếp, sinh hoạt. Nhà cách trụ sở làm việc chưa đầy hai cây số và dù không thuộc diện được hưởng chế độ nhưng anh ấy vẫn bắt lái xe cơ quan hàng ngày đến nhà riêng đưa đón. Về cơ sở làm việc xong là phải ăn uống, rượu bia. Tại cơ quan, anh chỉ thích gần gũi, tạo điều kiện nâng đỡ những người thường xuyên tâng bốc, lấy lòng mình. Trong cuộc họp, anh thường xuyên áp đặt ý kiến cá nhân, thẳng thừng bác bỏ các ý kiến đóng góp, phản biện của cán bộ, nhân viên…- Như thế là tha hóa quyền lực rồi đấy, các cậu cần phải phát huy tính dân chủ, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình chứ… Những biểu hiện “tha hóa quyền lực” như vị lãnh đạo trong câu chuyện trên đang là thực trạng nhức nhối diễn ra trong đời sống xã hội. Thực tiễn cho thấy, sự tha hóa quyền lực thể hiện bằng nhiều dạng thức rất tinh vi, phức tạp, từ việc dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích… Các hành vi lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ quyền; độc đoán, chuyên quyền; quan liêu; tùy tiện; tiếm quyền; vô trách nhiệm; bất lực; tham quyền cố vị; phân tán quyền lực… trong các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị đã và đang là nguyên nhân chính yếu dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội; là nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì thế, phòng và chống sự tha hóa quyền lực của các tổ chức, cán bộ, đảng viên có chức vụ trong tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị là việc phải làm thường xuyên, liên tục để góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định gồm 4 chương, 15 điều, nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền. Cùng với quan điểm chỉ đạo nhất quán và các hành động quyết liệt thời gian qua, Quy định đã góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng, là chỗ dựa vững chắc cho các tổ chức Đảng, chính quyền đấu tranh chống những hành vi tiêu cực; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, những đối tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền lọt vào các cấp ủy Đảng. Để Quy định thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, các tổ chức Đảng, nhất là từ những người đứng đầu tới cơ sở, các chi bộ, bí thư cấp ủy cần thật sự công tâm, gương mẫu, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các nội dung Quy định. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, thiết thực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh…

Trung Tín

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri//chinh-tri/xay-dung-dang/sinh-hoat-tu-tuong/201910/kiem-soat-quyen-luc-167147