'Kiểm toán kịp thời chuyển danh sách nơi mua kit test có dấu hiệu bất thường'
Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh điều này khi trình bày báo cáo về công tác năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 12/9.
Chuyển cơ quan điều tra 8 vụ việc
Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, kết quả kiểm toán cho thấy có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh thu, chi phí; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao…
Sơ bộ kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2022, KTNN kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Ông Ngô Văn Tuấn cũng khẳng định, KTNN luôn phối hợp chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả với các cơ quan có liên quan. Trong 8 tháng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 724 Báo cáo kiểm toán, các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác.
“Thậm chí tại cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương” – ông Ngô Văn Tuấn cho biết.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành và trong hoạt động kiểm toán.
”Đã lựa chọn ngẫu nhiên 34 trường hợp thuộc 6 đơn vị trong ngành để tiến hành thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện ngay đang trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật” – báo cáo của KTNN nêu rõ.
KTNN đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với UBKTTW xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
"Đã làm là làm đến cùng"
Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2023, KTNN tập trung kiểm toán lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đơn vị có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro và xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia; việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, gắn với kế hoạch giám sát của Quốc hội, UBTVQH.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN.
Liên quan kiểm toán chuyên đề năm 2023, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung thêm nội dung kiểm toán:“Quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ và việc nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao các kết quả nghiên cứu” theo đề xuất của Đoàn giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội.
Đối với chuyên đề: “Về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” và “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương”, đa số ý kiến đề nghị không thực hiện kiểm toán các chuyên đề này do các quỹ này nguồn vốn nhỏ, ít hoạt động.
Đa số ý kiến đề nghị bổ sung, thay thế hai chuyên đề kiểm toán các quỹ nêu trên bằng chuyên đề kiểm toán: “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin”.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung kiểm toán chuyên đề tổ chức các giải thi đấu thể thao sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo hoạt động năm 2022 bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định và yêu cầu giám sát của Quốc hội.
Phó Tổng KTNN nhấn mạnh, kế hoạch kiểm toán năm 2023 xây dựng trên tinh thần xuyên suốt là gọn, “ít nhưng chất, đã làm là đi đến tận cùng vấn đề”.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách các năm…/.