Kiên Giang chấn chỉnh việc gieo sạ tự phát lúa hè thu

Đến ngày 10-5, tỉnh Kiên Giang có 4.056ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn, tỷ lệ 2,5-20% chủ yếu ở các diện tích gieo sạ sớm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, qua kiểm tra thực tế tiến độ sản xuất và tình hình dịch hại trên cây lúa vụ hè thu cho thấy một số địa phương sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 đã tiến hành làm đất, gieo sạ lại ngay, không tuân thủ hướng dẫn lịch gieo sạ vụ lúa hè thu năm 2023.

Tổng diện tích gieo sạ trước lịch thời vụ khoảng 34.550ha, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành và TP. Rạch Giá. Đến ngày 10-5, có 4.056ha lúa nhiễm bệnh vàng lùn, tỷ lệ 2,5-20% chủ yếu ở các diện tích gieo sạ sớm.

Nông dân xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh cho lúa hè thu năm 2023.

Nông dân xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh cho lúa hè thu năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết để bảo vệ tốt sản xuất vụ hè thu năm 2023, các địa phương có diện tích lúa gieo sạ tự phát ngoài lịch khuyến cáo cần kiên quyết có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.

Đối với các ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn lá ở các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Tân Hiệp và Giang Thành, ngành chuyên môn cần tổ chức hướng dẫn phòng trị theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Đối với ruộng chưa gieo sạ, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng khung lịch hướng dẫn để chủ động né rầy nâu, phòng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang tăng cường phối hợp các đơn vị có liên quan theo dõi, bám sát đồng ruộng, kiểm tra tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn; đồng thời hướng dẫn biện pháp xử lý các ruộng bị nhiễm bệnh kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không để bệnh vàng lùn lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa.

Đối với những vùng có lịch xuống giống đợt 3 từ ngày 10 đến 25-5, đợt 4 từ ngày 1 đến 30-6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang phối hợp tốt với địa phương để chỉ đạo xuống giống đúng theo lịch hướng dẫn. Khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp IPM.

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/kien-giang-chan-chinh-viec-gieo-sa-tu-phat-lua-he-thu-13744.html