Kiến nghị cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cấm thuốc lá điện tử. Trong nước nhiều chuyên gia y tế cũng đề xuất cấm hoàn toàn mặt hàng này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cấm thuốc lá điện tử. Trong nước nhiều chuyên gia y tế cũng đề xuất cấm hoàn toàn mặt hàng này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cấm thuốc lá điện tử. Trong nước nhiều chuyên gia y tế cũng đề xuất cấm hoàn toàn mặt hàng này.

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử đang làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

Người hút nhiều thuốc lá điện tử sẽ giảm khả năng chống vi khuẩn, virus. Người này có thể thay đổi cấu trúc đường hô hấp theo hướng giúp vi khuẩn phế cầu dễ xâm nhập gây viêm phổi.

Tiếp xúc thuốc lá điện tử, khi bị nhiễm Rhinovirus gây bệnh ở người thì tải lượng virus tăng, tình trạng viêm nặng hơn, khả năng đề kháng giảm đi. Đặc biệt, thuốc lá điện tử làm giảm biểu hiện của hơn 300 gene liên quan miễn dịch.

Hệ lụy lâu dài, thuốc lá điện tử có thể gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp… thậm chí là ung thư. Đặc biệt, thuốc lá điện tử làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, chưa từng có trong y văn.

Tại Mỹ đã phát hiện ra bệnh mới là Evali (Tổn thương phổi cấp liên quan thuốc lá điện tử). Bệnh tăng mạnh tháng 8, đạt đỉnh tháng 9/2019. Tới ngày 18/2/2020, Mỹ ghi nhận 2807 ca với 68 ca tử vong được khẳng định liên quan.

Bệnh này gây ra các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa, toàn thân. Kết quả xét nghiệm dung dịch hút và dịch đường hô hấp các bệnh nhân cho thấy có vitamin E acetate.

“Vitamin E nung nóng trong thuốc lá điện tử tạo thành khí ketene độc. Thử nghiệm trên động vật gây tổn thương giống ở người”, TS. Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Đặc biệt, hiện thế giới chưa có phác đồ chính thức bệnh Evali. 76% bệnh nhân phải thở máy, 22% thở máy không xâm nhập, một số ca phải can thiệp ECMO.

Ngoài ra, 25 - 85% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau. Bệnh nhân gặp rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau khi ra viện. Bệnh nhân có thể gặp tổn thương phổi mạn tính.

“Tại Việt Nam, chúng tôi đã phát hiện có vitamin E trong thuốc là điện tử. Sớm muộn chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với bệnh mới nổi này”, bác sĩ Nguyên cho hay.

TS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, 2 đơn vị hiện nay có khả năng xét nghiệm các loại chất gây nghiện tổng hợp là Viện Pháp y Quốc gia và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an hiện mới chỉ xét nghiệm hơn 100 chất.

Trong khi đó, cần sa có tới vài trăm chất, các đối tượng chỉ cần thay đổi vài công thức hóa học, lại tạo chất mới. “Chúng ta phải chạy theo các chất mới để xét nghiệm mà cũng không làm xuể”, bác sĩ Nguyên nói.

Do đó, TS. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, cần phải cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam vì sẽ mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát, gây ra loạt bệnh tật mới, làm nặng thêm vấn đề thuốc lá truyền thống và phức tạp thêm vấn đề ma túy.

"Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát được", bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-nghi-cam-hoan-toan-thuoc-la-dien-tu-d190625.html