Tránh xa thuốc lá, ngăn ngừa bệnh tật

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người. Thực tế, nhiều người điều trị bệnh phổi đã bỏ thuốc lá và vận động người thân của mình tránh xa thuốc lá, để bảo vệ sức khỏe.

Ông Bùi Minh Châu (63 tuổi, ở thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập) điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã được gần 10 năm và cũng ngần ấy năm ông từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Ông Châu kể: Tôi hút thuốc lá từ năm 19 tuổi. Năm 2015, thấy ho nhiều, khó thở, sút cân nhanh, tôi đã đi khám, phát hiện bệnh và bắt đầu điều trị. Được các bác sĩ tư vấn, tôi đã quyết tâm, bỏ được thuốc lá, sức khỏe ổn định, tăng cân trở lại. Giờ tuổi cao, thi thoảng mệt thì tôi vào viện khám, điều trị vài hôm cho khỏe rồi về, chứ không phải nằm viện dài ngày như trước.

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tuyên truyền cho bệnh nhân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tuyên truyền cho bệnh nhân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Khi đến Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chúng tôi còn gặp nhiều trường hợp đang điều trị các bệnh liên quan đến phổi như: viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… Phần lớn bệnh nhân đều có tiền sử hút thuốc lá lâu năm hoặc có người nhà hút thuốc. Trong số đó có những bệnh nhân là phụ nữ cũng có thói quen hút thuốc lá.

Bà K.T.K (77 tuổi, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng) bộc bạch: Từ nhỏ, gia đình làm thuốc lào, tôi đã hút thuốc, sau chuyển sang hút thuốc lá. Mấy năm nay, tôi thấy ho nhiều, thở khó, khám thì phát hiện thấy có khối u lớn, chiếm gần nửa phổi bên phải, sinh thiết có tế bào ung thư. Hiện nay tôi đã bỏ thuốc và khuyên các con, cháu tránh xa thuốc lá.

Được biết, cùng với ông Châu, bà K.T.K, mỗi năm, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tiếp nhận, điều trị hơn 3.000 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến phổi như: viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 700 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, trong đó phần lớn có thói quen hút thuốc lá.

Bác sĩ Phương Văn Hưởng, Trưởng Khoa bệnh Phổi cho biết: Qua các nghiên cứu khoa học về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đối với các bệnh nhân điều trị tại khoa thì có đến 80% bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá; tỉ lệ bệnh nhân điều trị các bệnh về phổi có liên quan đến hút thuốc lá thụ động (bạn bè, người thân hút thuốc) chiếm 10%. Trong số các bệnh nhân đang điều trị các bệnh về phổi tại khoa thì có đến 70% trong số đó có thói quen hút thuốc lá. Vì thế, khi bệnh nhân nhập viện điều trị, điều cần làm trước tiên là phải bỏ hút thuốc lá hoàn toàn, vì nếu tiếp tục hút thuốc lá thì bệnh sẽ nặng dần theo thời gian, ảnh hưởng đến sinh hoạt và thậm chí tính mạng của người bệnh.

Để bệnh nhân bỏ được thói quen hút thuốc, hằng ngày, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên tuyên truyền về tác hại của khói thuốc lá cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Việc tuyên truyền còn được thực hiện lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh hằng tháng; tư vấn hướng dẫn trực tiếp qua điện thoại đối với người điều trị ngoại trú; phát tờ rơi tại các khoa, phòng (hơn 1.000 tờ rơi/năm)... Đặc biệt, bệnh viện còn duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ Nhịp thở cuộc sống (hơn 700 thành viên) mỗi quý 1 lần để tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị và bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Với sự tuyên truyền tích cực của các cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện, trên 80% người bệnh đã bỏ thuốc lá thành công, nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện sức khỏe.

Cùng với Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đã phát hơn 7.000 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, các biện pháp tự cai nghiện thuốc lá, sổ tay hướng dẫn tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá...

Qua đó cho thấy, tránh xa thuốc lá, từ bỏ thói quen hút thuốc lá là việc làm hết sức cần thiết để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh khỏi tác hại của thuốc lá.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (trung bình mỗi ngày có hơn 100 người chết vì thuốc lá). Nếu không can thiệp kịp thời, ước tính số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tranh-xa-thuoc-la-ngan-ngua-benh-tat-5026753.html