Kiến nghị chuyển hình thức đầu tư đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sang PPP

Chiều 10/05, Ủy ban kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng. Riêng dự án Biên Hòa - Vũng Tàu được đề nghị đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các dự án này được đầu tư sẽ kết nối giao thông vùng miền, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tạo dư địa về không gian phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành đi qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về cơ sở và khả năng cân đối và bố trí nguồn vốn khi cả 3 dự án đều được Chính phủ trình bố trí nguồn vốn đầu tư công.

Ông NGUYỄN HỮU TOÀN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Bố trí vốn từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 9.600 tỷ đồng (trong 113 nghìn tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), trong đó dự án Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột là 2.300 tỷ đồng , Biên Hòa - Vũng Tàu là 3.500 tỷ đồng và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 3.800 tỷ đồng. Yêu cầu Chính phủ sớm rà soát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc Hội”.

Các đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương đầu tư Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án Biên Hòa – Vũng Tàu có nhiều khả năng thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP), chính vì vậy, cần nghiên cứu kỹ phương án đầu tư để đảm bảo giảm áp lực lên ngân sách trung ương trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.

Ông VŨ TIẾN LỘC - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Tuyến đường về Biên Hòa - Vũng Tàu, tôi nghĩ đây là một cơ hội cho đầu tư đối tác công tư, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ vốn và công trình này với nhà nước. Khả năng thu hồi vốn của những tuyến đường này là cao. Tôi nghĩ nên xem xét và cân nhắc lại chuyển sang đầu tư công”.

Giải trình nội dung này, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện dự án Biên Hòa - Vũng Tàu có 1 nhóm các nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên phần lớn đều là nhà thầu. Trong khi đó, hiện tại các ngân hàng đang siết tín dụng nguồn vốn vay đầu tư dự án BOT.

Ông LÊ ANH TUẤN - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Chúng tôi đang đề nghị ngân hàng xem xét (cho vay -PV) vì đầu tư một con đường mặc dù phương án tài chính khó khăn hơn nhưng tài sản có thể có giá trị cao hơn trong tương lai”.

Về nguồn cân đối vốn, chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong số 5 nguồn vốn cho dự án, có sử dụng nguồn vốn tại nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tuy nhiên, việc bố trí, phân bổ nguồn vốn theo tinh thần nghị quyết hiện nay vẫn còn chậm. Cần làm rõ nội dung này cũng như nguồn ngân sách bố trí của địa phương.

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Hiện mới chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu là có nghị quyết bố trí vốn của hội đồng nhân dân tỉnh, các địa phương cũng phải có nghị quyết trước khi trình ra Thường vụ Quốc hội".

Theo tờ trình của Chính phủ, đối với dự án Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44.691 tỷ đồng , dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là 21.935 tỷ đồng và dự án Biên Hòa- Vũng Tàu là 17.837 tỷ đồng. Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về dự án như việc xem xét các yếu tố như lạm phát ảnh hưởng đến triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng, xử lý đất rừng, phương án thiết kế, cơ sở phân kỳ đầu tư, suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư …của 3 dự án.

Thực hiện : Nguyễn Duyên Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kien-nghi-chuyen-hinh-thuc-dau-tu-duong-bo-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-sang-ppp