Kiến nghị lập đề án thu hút vốn trong dân làm đường sắt tốc độ cao

Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ lập đề án về thu hút nguồn vốn trong nhân dân để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Hôm nay (4/10), tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Buổi gặp mặt không chỉ để biểu dương, cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn nối dài chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành với doanh nghiệp - động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững tại thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang chuyển mình theo những xu hướng mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

Tại sự kiện này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, với sự quan tâm, đồng hành và chia sẻ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5%.

Bên cạnh đó, nước ta cũng có những mục tiêu xa hơn vào năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được các mục tiêu này, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam góp ý 6 vấn đề và một trong số đó là việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai "siêu dự án" Đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo lãnh đạo Hiệp hội, đây là hai "siêu dự án" hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.

"Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động", ông Thân dẫn chứng.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Ảnh VGP

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Ảnh VGP

Đề cập đến việc Chính phủ đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Thân cho rằng, một trong những thách thức đặt ra là nguồn vốn để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý.

"Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...)", ông Thân nêu ý kiến và cho rằng, với những giải pháp trên một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng tạo nền tảng bứt phá phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, địa phương có dự án đi qua. Ảnh minh họa

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng tạo nền tảng bứt phá phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, địa phương có dự án đi qua. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 1/10, Bộ GTVT tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo Bộ GTVT, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của 34 quốc gia trên thế và rút ra bài học kinh nghiệm để đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trong nước. Để lựa chọn phương án đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, cẩn trọng các nội dung chính: công nghệ, công năng vận tải, lựa chọn tốc độ thiết kế, tải trọng trục, khả năng nội địa hóa và làm chủ công nghệ, phân kỳ đầu tư, khả năng cân đối vốn và an toàn nợ công.

"Từ những phân tích, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam được kiến nghị đầu tư theo phương án: Tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, 23 ga hành khách; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024 (suất đầu tư phụ thuộc vào điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, khả năng nội địa hóa...).

Tổng mức đầu tư dự án được tính toán, xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay. Do tổng mức đầu tư phụ thuộc vào mặt bằng giá thị trường (thiết bị, vật tư, vật liệu...) tại thời điểm tính toán, phụ thuộc chi phí GPMB, điều kiện khu vực xây dựng công trình nên trong quá trình thực hiện đầu tư có thể tăng hoặc giảm", lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Về tiến độ, kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ dự kiến: trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; triển khai GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027. Phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035, sớm hơn 10 năm so với Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Hình thức đầu tư: áp dụng hình thức đầu tư công. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc... Trong bước tiếp theo sẽ xác định cụ thể nguồn vốn; đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Về nguồn vốn, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD tương đương khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phương án nguồn vốn đầu tư được đề xuất tại chủ trương đầu tư dự án đảm bảo an toàn cho tài chính quốc gia.

L.Chi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/kien-nghi-lap-de-an-thu-hut-von-trong-dan-lam-duong-sat-toc-do-cao-183241004170328312.htm