Kiến nghị tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục để nâng cao chất lượng nhân lực, sức khỏe cho người dân

Về dự toán chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt và vượt dự toán giao

Theo Báo cáo của Chính phủ, các lĩnh vực thu ngân sách nhà nước đều cơ bản ước đạt và vượt dự toán giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.572,7 nghìn tỷ đồng, vượt 8,9% so dự toán; thu từ dầu thô đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, vượt 28,9% so dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 235,2 nghìn tỷ đồng, vượt 15,3% so dự toán. Số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Về chi ngân sách nhà nước, thực hiện 9 tháng đạt 59,3%; ước cả năm đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu.

Với kết quả thu, chi ngân sách như trên, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP. Ước bội chi cả năm khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp.

Về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Chính phủ dự kiến thu ngân sách nhà nước trong năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 16% GDP. Mức dự toán nêu trên được đánh giá là tích cực, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công khoảng 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 34 - 35% GDP, trong phạm vi được Quốc hội cho phép.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Cần đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế

Thảo luận tại phiên họp, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là chi cho y tế, giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sức khỏe người dân; người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu tại phiên họp.

Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với việc tăng chi cho giáo dục đào tạo và quan tâm hơn nữa cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Đại biểu cho biết trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay mới chỉ có 28% lao động được đào tạo, cấp chứng chỉ. Như vậy là 72% còn lại chưa được qua đào tạo, cấp chứng chỉ, tương đương với khoảng hơn 37 triệu lao động chưa được qua đào tạo sẽ rất khó giúp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khó nắm bắt được ngành nghề kinh tế mới và thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. “Đề nghị, cần mở rộng đào tạo ngành nghề cho các lĩnh vực còn thiếu lao động. Đồng thời liên kết với các nước tiên tiến để đào tạo các lĩnh vực mới và khai thác triệt để các quỹ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” – đại biểu kiến nghị.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế... “Nếu thực hiện tự chủ, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện hay trường đại học công lập là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao” – đại biểu nêu và đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.

Đại biểu Lê Quân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Quân phát biểu tại phiên họp.

Nói về vấn đề này, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng, đã xác định giai đoạn sắp tới cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hướng đến kỷ nguyên vươn mình, cần chú trọng thật sự chú trong tới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và khoa học công nghệ. Nếu đầu tư tốt cho 3 lĩnh vực này trong thời gian tới thì sẽ tạo ra bứt phá, đem đến kết quả lâu dài cho các giai đoạn sau.

Đại biểu kiến nghị, để quốc gia có bước đột phá về đổi mới sáng tạo, thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Đối với hiệu quả của nghiên cứu khoa học, chúng ta cần đặt niềm tin trước, các nhà khoa học cần được chọn lọc, đánh giá kỹ, có cam kết về sản phẩm đầu ra, đầu tư theo các hướng nghiên cứu mang tính chất dài hạn và bài bản thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Cho rằng nhiều địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên họp.

Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công.

Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Về việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...

Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/kien-nghi-tang-cuong-dau-tu-cho-y-te-giao-duc-de-nang-cao-chat-luong-nhan-luc-suc-khoe-cho-nguoi-dan-i749332/