Kiến nghị xem xét hành vi mua bán người bao gồm cả việc 'cưỡng bức lao động mới'

Góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, Đại biểu Quốc hội cho rằng xem xét, bổ sung thêm hình thức cưỡng bức lao động mới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số và các ngành công nghiệp hiện đại đang phát triển....

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trao đổi tại nghị trường chiều 22/10, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đánh giá cao Ban soạn thảo về tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về việc bổ sung khoản 2 Điều 3 các hành vi bị cấm, nội dung thỏa thuận mua, bán người từ khi còn đang là bào thai và đồng tình với nhiều nội dung dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng cần làm rõ cụm từ "lợi ích vật chất khác" để tránh mơ hồ trong thực thi. "Lợi ích vật chất" có thể bao gồm không chỉ tiền hoặc tài sản mà còn các dịch vụ, quyền lợi hoặc ưu đãi từ phía bên thứ ba.

"Về cưỡng bức lao động tại khoản 3, tôi đề nghị xem xét, bổ sung thêm hình thức cưỡng bức lao động mới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số và các ngành công nghiệp hiện đại đang phát triển, các hành vi cưỡng bức trong công nghệ số, như sử dụng người lao động cưỡng bức để sản xuất nội dung số bất hợp pháp cũng cần được đưa vào trong khung luật này", ông Bình nói thêm.

Theo dự thảo, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ sau đây phải được quản lý, kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người:

- Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp; kinh doanh casino, trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, tư vấn du học, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú;

- Hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nuôi con nuôi;

- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ "cưỡng bức hôn nhân" sau cụm từ "cưỡng bức lao động".

Đại biểu Tú Anh cho rằng thực tế có nhiều trường hợp những người phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bán qua biên giới để bắt buộc làm vợ cho những người khuyết tật hoặc những người cao tuổi, vì thế đây cũng được xem là hành vi mua bán người.

Tại khoản 3 quy định: "Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ".

Đại biểu Tú Anh cho rằng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 02/2019 của Hội đồng thẩm phán thì cưỡng bức lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ. Việc dự thảo luật sử dụng đối tượng người lao động là không hợp lý, vì thực tế ở đây họ là nạn nhân của hành vi mua bán người chứ còn không phải là người lao động. Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi lại cho phù hợp.

Nhất trí với dự thảo song Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) có ý kiến cho rằng khái niệm mua bán người, các hành vi và mục đích tại khoản 1, khoản 2 của dự thảo chưa bao hàm hết các hành vi trên thực tế.

"Trong thực tiễn có nhiều hành vi mua bán người khác, như dụ dỗ, lôi kéo, hành vi mua bán trẻ sơ sinh, hành vi môi giới, lợi dụng nhận con nuôi, tuyển mộ lính đánh thuê, chuyển giao khoa học, tiếp nhận người để ép buộc làm vợ, ép buộc sinh con trái ý muốn hoặc ép buộc thực hiện các hành vi khác như vận chuyển ma túy, hàng cấm qua biên giới.

Hành vi tuyển mộ, lừa gạt, mời gọi, đe dọa, dụ dỗ để yêu cầu nạn nhân thực hiện việc chuyển tiền, lấy cắp thông tin, môi giới du học, chuyển nhượng cầu thủ trẻ, mua bán thai nhi, hành vi sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, nô lệ tình dục, hiến tạng, các hành vi bắt cóc cho nạn nhân uống thuốc ngủ, đầu độc nạn nhân buộc nạn nhân phải ăn xin...

Do đó, cần tiếp tục rà soát khái niệm này cho đầy đủ và thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 02 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2019, cho phù hợp với Điều 150 về mua bán người và Điều 151 tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự" , ông Chính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Chính cũng nêu ý kiến về tiếp nhận xác minh người đến trình báo là nạn nhân. Theo đó, quy định giới hạn thời hạn 2 tháng không đảm bảo tối đa quyền lợi hợp pháp của nạn nhân, bởi chưa có kết quả xác minh là nạn nhân vì thời gian đã hết, có phần do lỗi của cơ quan có thẩm quyền hoặc do sự kiện khách quan khác thì người đó không được xét là nạn nhân.

Từ đó, không được hưởng các chế độ như hỗ trợ chính sách, quyền lợi hợp pháp cũng như điều kiện được bảo vệ theo quy định của luật, vô hình trung không đảm bảo được mục đích cũng như nguyên tắc phòng, chống mua bán người là tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân.

Do đó, cần xây dựng theo hướng khác hoặc quy định lại thời hạn, trong trường hợp nếu trong vòng 2 tháng chưa xác định được nạn nhân thì sẽ gia hạn hoặc có thể có cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân.

Nguyệt Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-nghi-xem-xet-hanh-vi-mua-ban-nguoi-bao-gom-ca-viec-cuong-buc-lao-dong-moi.htm