Kiến tạo tương lai bằng những cam kết bền vững
Diễn đàn P4G được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Đây là một cơ chế thảo luận toàn cầu, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu.
Diễn ra trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19 trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vừa bế mạc tối 31/5 được kỳ vọng tạo động lực giải quyết những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, tăng cường hợp tác giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển cùng tham gia hành động vì khí hậu thông qua đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đối tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Hội nghị do Hàn Quốc chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tuyến gồm phiên thảo luận thượng đỉnh có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel; và phiên thảo luận chung với sự tham gia của 170 quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức dân sự, giới học thuật. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria cũng tham dự sự kiện này.
Với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, tại phiên đối thoại cấp cao, lãnh đạo các nước tập trung trao đổi 3 nội dung ưu tiên gồm phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đến năm 2050 đạt mục tiêu trung hòa carbon, tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công - tư. Các phiên thảo luận chuyên đề trao đổi về mục tiêu trung hòa carbon, chiến lược xanh mới, lương thực và nông nghiệp, nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ xanh, tài chính xanh, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đa dạng sinh học, kết nối kinh doanh.
Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng khủng hoảng khí hậu và đại dịch COVID-19 là hai thách thức toàn cầu khẩn cấp. Nhiều ý kiến nhấn mạnh phục hồi theo hướng xanh và bền vững cần trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng quốc tế nhằm tạo bước ngoặt trong thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDG).
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Seoul, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo và các đối tác, đồng thời đưa ra những định hướng, giải pháp lớn nhằm phục hồi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bao trùm, hướng tới mục tiêu trung hòa cacbon. Nổi bật là quản lý nguồn nước bền vững, thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ hydro; xây dựng nông nghiệp bền vững gắn với bảo đảm an ninh lương thực; phát triển thành phố xanh thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi sang "xã hội không rác thải"; tăng cường hỗ trợ chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển gắn với cung cấp tài chính, công nghệ, bảo vệ các nhóm dễ tổn thương.
Tham dự phiên thảo luận cấp cao với tư cách thành viên sáng lập, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra sáu giải pháp quan trọng. Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là các SDG của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư trong tăng trưởng xanh. Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.
Thứ năm, ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVDI-19; tăng cường hỗ trợ cung cấp các nguồn vaccine, hợp tác đi lại và duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại - đầu tư quốc tế. Cuối cùng là nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Các bên tham gia hội nghị đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra thông điệp rõ ràng, nhất quán, khẳng định chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau", không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Diễn đàn P4G được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Đây là một cơ chế thảo luận toàn cầu, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong 7 thành viên sáng lập và là đối tác chính thức của P4G. Đến nay, diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khắp thế giới…
Ngoài việc tham gia diễn đàn P4G, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh. Việt Nam tham gia vào các cơ chế đa phương về khí hậu, lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn kiện chính thức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì ngày 22/4 vừa qua, trong đó Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Trước đó, đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030” đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện.
Tại mọi diễn đàn, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm của chính phủ và người dân thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng 0, với các định hướng cụ thể như quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, coi người dân là trung tâm, không để ai “bị bỏ lại phía sau” và được người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học ủng hộ, chung tay hành động...
Là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong ba thập niên qua, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu nhằm kiến tạo tương lai xanh và bền vững. Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Việt Nam cũng cam kết tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải tính trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí metan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến 2025.
Sự tham gia của Việt Nam tại diễn đàn P4G nói chung và Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai nói riêng tiếp tục khẳng định đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong những vấn đề ưu tiên của Việt Nam: phát triển bền vững, đầu tư, thương mại, môi trường, năng lượng tái tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, những đóng góp quan trọng của các nước tại hội nghị, trong đó có Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy cam kết toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ sở quan trọng để lãnh đạo các nước tiếp tục trao đổi nhằm đạt đồng thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow (Scotland), vào tháng 11 tới.