Kiến trúc nhà rông: Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na

Nhà rông là di sản kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Ba Na ở miền núi Phú Yên nói riêng. Mái nhà rông vút cao như ngọn núi, nơi vang vọng tiếng cồng, tiếng chiêng qua bảy cánh rừng, nơi trai gái tham gia lễ hội, nơi tiếng nước sông suối chảy hòa theo tiếng đàn tơ rưng.

Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đạt chuẩn độ vững chãi, chan hòa với nắng gió và phù hợp với văn hóa của người Ba Na. Ảnh: VĂN TÀI

Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đạt chuẩn độ vững chãi, chan hòa với nắng gió và phù hợp với văn hóa của người Ba Na. Ảnh: VĂN TÀI

Kiến trúc độc đáo

Người Ba Na thường sống tập trung thành từng làng, có ý thức tôn trọng tập tục, đoàn kết với nhau. Mỗi buôn làng có một nhà rông, mái nhà vút cao tựa như lưỡi riều hiên ngang hướng lên trời xanh, biểu trưng cho sức mạnh của buôn làng.

Nhà rông được xây dựng ở trung tâm buôn làng, nơi có địa hình cao ráo, có đường chính đi qua và các đường nhỏ bao quanh; khoảng cách từ nhà dân đến nhà rông thuận lợi việc đi lại.

Kiểu dáng nhà rông ở các địa phương chỉ khác nhau ở mái nhà. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, mái nhà rông có độ dốc cao vút; trên mái có đặt một số ống tre, ống nứa để gió thổi vào tạo ra tiếng vi vu trầm bổng. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, mái nhà rông ít dốc hơn. Một số già làng giải thích vì nơi đây thường xảy ra bão to nên mái nhà ít dốc để đảm bảo an toàn.

Mặt bằng sàn nhà rông hình chữ nhật, diện tích to hay nhỏ tùy thuộc vào số dân buôn làng; chỉ có một cửa ra vào ở phía hồi nhà, đây cũng là tiền sảnh của nhà. Tại sảnh có 3 cầu thang lên xuống bằng cây gỗ, đẽo thành những bậc (khấc); cầu thang giữa dành cho già làng và khách quý, cầu thang bên trái có 7 bậc dành cho nam và cầu thang bên phải có 9 bậc dành cho nữ. Sàn nhà rông thường cao hơn mặt đất từ 1,2-1,5m; chiều cao từ sàn nhà lên đến đỉnh mái từ 7-10m, thậm chí tới 15m, tùy theo bề rộng của nhà.

Bộ khung nhà rông gồm hai hàng cột tròn to, nhà 3 gian thì có 8 cây cột, nhà 5 gian có 12 cây. Các cây cột bên trong nhà có khi được điêu khắc các đầu thú rừng trông rất nghệ thuật và sinh động. Sàn nhà có dầm ngang, dầm dọc bằng gỗ, được liên kết với cột nhà bằng mộng; phía trên dầm là sàn được ghép bằng líp tre.

Mái nhà rông gồm nhiều cây tre già hai bên chụm lại tựa như vì kèo, đòn tay là những cây tre thẳng; hệ mái được giằng, chống chéo thành những ô hình tam giác, liên kết các bộ phận là các chốt tre và lạt buộc rất vững chắc. Mái nhà rông được lợp bằng cỏ tranh có độ dày 15-20cm, đan quyện vào nhau rất chặt, chống lại mưa rừng, gió núi.

Vách xung quanh từ sàn đến mái nhà được dựng bằng phên tre, hay phên lồ ô theo dạng “hạ thu, thượng thách” để chống mưa tạt vào bên trong nhà, có chừa các ô cửa sổ hai bên nhà. Giữa nhà bố trí 1-2 bếp lửa tùy theo nhà to hay nhỏ.

Theo già làng La Chí Thái ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), để làm được nhà rông tốn nhiều thời gian và công sức, toàn thôn phải đồng lòng và có ý chí cao. Trai làng khỏe mạnh từng nhóm 10 người vào rừng, có khi đi xa hơn 10km tìm những cây gỗ to hơn cả người ôm, không mối mọt để làm cột nhà, chuẩn bị các vật liệu có khi cả 3 năm trời. Thời gian dựng nhà rông là 6 tháng hoặc có khi cả năm. Khi nhà rông xây dựng xong, bà con tin rằng ngôi làng đã được Giàng (ông Trời) ngự trị. Bà con mổ bò, mổ heo… tổ chức ăn mừng ba ngày đêm, với các hoạt động uống rượu cần, đánh cồng chiêng, dân làng tay trong tay múa hát.

Ngày nay, một số nhà rông mới được xây dựng gồm cột sàn nhà được làm bằng bê tông cốt thép, vách xây gạch, mái lợp tole hoặc ngói; nhưng người Ba Na vẫn lưu luyến với mái nhà rông xưa.

Đánh trống đôi bên thác ở huyện Sông Hinh. Ảnh: LÊ MINH

Đánh trống đôi bên thác ở huyện Sông Hinh. Ảnh: LÊ MINH

Nơi chứa đựng hồn dân tộc

Theo bác sĩ Măng Cư (thôn Làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân), với người dân Ba Na, khi phải xa buôn làng thì hình ảnh nhà rông luôn trong tâm trí, thôi thúc họ nhanh trở về với buôn làng, bởi nơi ấy gắn bó với họ từ khi còn thơ cho đến khi về với đất trời.

Khi tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại nhà rông vang lên thì già, trẻ, trai, gái về đây mừng lễ hội, họ uống rượu cần, múa hát những bài ca về tình yêu và cuộc sống. Nhà rông là hồn thiêng của đồng bào dân tộc Ba Na, nơi cất giữ những vật quý và linh thiêng của buôn làng.

Nhà rông còn chứng kiến, ghi lại những diễn biến lịch sử của dân tộc, là nơi ăn mừng chiến thắng khi dẹp được quân thù. Những người chiến thắng cùng buôn làng uống rượu, nhảy múa và chúc tụng nhau. Quanh bếp lửa nhà rông, già làng kể cho con cháu nghe những câu chuyện, những ưu tư phiền muộn, những niềm vui sướng. Tiếng cồng, ánh lửa từ nhà rông báo hiệu cho mọi người biết điều gì sắp xảy ra, tốt hay xấu, kẻ thù sắp tấn công hay quân ta thắng lớn. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức hội họp dân làng, bàn về lao động sản xuất trong mùa vụ, nơi già làng tiếp khách quý, nơi hòa giải những bất đồng, xích mích giữa người dân trong buôn làng, nơi gặp gỡ giao lưu của nam thanh nữ tú…

Nhà rông của dân tộc Ba Na chứa đựng những chức năng văn hóa truyền thống từ lâu đời và được coi như nhà văn hóa đa năng.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/273348/kien-truc-nha-rong--net-van-hoa-dac-trung-cua-dong-bao-ba-na.html