Kiến trúc vay mượn và cái giá du lịch phải trả
Kiến trúc nhại phong cách nước ngoài của nhiều dự án bất động sản du lịch gây tranh cãi.
Những khu du lịch "ngoại" giữa lòng Việt Nam
Từng đặt chân đến Phú Quốc từ cách đây hơn 10 năm trước, anh Quang không khỏi tiếc nuối khi quay trở lại.
Nếu như trước đây anh càng ấn tượng bao nhiêu với vẻ đẹp hoang sơ của "đảo ngọc" thì bây giờ thất vọng bấy nhiêu vì cảm giác ngột ngạt chẳng khác gì các thành phố lớn với hàng loạt những dãy nhà phố, biệt thự chen chúc, lộn xộn.
Là một kiến trúc sư, anh Quang nhận thấy Phú Quốc đang dần đánh mất mình không chỉ bởi sự phát triển quá nhanh, quá nóng của hàng loạt các công trình xây dựng, mà còn ở phong cách thiết kế ngoại lai các khu du lịch.
Thay cho những nét đẹp dung dị, vốn có như làng chài ven biển, những bãi cát trải dài thơ mộng, là những dự án bất động sản du lịch được xây dựng rập khuôn theo phong cách châu Âu hay Địa Trung Hải.
Và những ngôi làng Địa Trung Hải, những con phố Venice cũng từ Phú Quốc được nhân rộng ra các điểm đến du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam như Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn và Quy Nhơn.
Những nơi từng được mệnh danh là thiên đường du lịch như Sapa đang dần đánh mất dáng vẻ của một thị trấn nhỏ vùng cao lãng mạn, mây mờ, sương phủ quanh năm. Thay vào đó là những kiến trúc cao tầng ngồn ngộn, mang phong cách Tây Âu, hào nhoáng, hiện đại, làm phá vỡ đi nét đẹp thơ mộng vốn có của thị trấn này.
Cái chết của nhà phố biển
Phát triển du lịch hay bán bất động sản
Lý giải thực trạng ngoại lai, Tây hóa trong các dự án bất động sản du lịch, ông Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc công ty Eden Landscape cho rằng, việc lựa chọn kiến trúc hiện phần lớn phụ thuộc vào các chủ đầu tư dự án và thiếu định hướng hay quy hoạch tổng thể, rõ ràng ở tầm chiến lược quốc gia.
"Đa phần các doanh nghiệp này đều hướng tới việc bán bất động sản nghỉ dưỡng thay vì phát triển các khu du lịch, phục vụ du khách đơn thuần", ông Long nhận xét.
Theo kiến trúc sư này, nếu xây khu nghỉ dưỡng thông thường, chủ đầu tư sẽ tập trung hướng tới trải nghiệm của du khách. Nhưng nếu hướng tới bán bất động sản cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ bằng mọi cách bán được càng nhiều bất động sản càng tốt.
Điều này khiến dự án không chỉ tăng tối đa mật độ xây dựng mà còn đi theo hướng phát triển để thu hút khách du lịch đông đảo trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất có thể theo kiểu "ăn xổi".
Chính vì vậy, để an toàn trong bài toán kinh doanh, đa phần chủ đầu tư lựa chọn phong cách thiết kế "độc, lạ", rập khuôn của nước ngoài để hướng tới đối tượng khách nội địa có sẵn và khách Trung Quốc giá rẻ.
Đối tượng khách du lịch này rất đông đảo, thị hiếu và nhu cầu của họ cũng thường đơn giản, thích những điểm đến mới lạ, hào nhoáng, bóng bẩy, nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra theo ông Long là khi hướng tới đối tượng khách hàng này, các dự án bất động sản du lịch gần như không thể thu hút khách nước ngoài có mức chi trả cao, những người có nhu cầu được trải nghiệm nét đặc sắc, tính bản địa trong kiến trúc, xây dựng của mỗi địa phương.
Những khách nước ngoài đến Việt Nam thường lựa chọn tìm về với thiên nhiên, trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của từng vùng đất, chứ không phải những khu nghỉ dưỡng xây theo phong cách kiến trúc của chính nước họ.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã gia nhập thị trường một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc thấu đáo trong quá trình hoạch định và triển khai dự án.
Không ít sản phẩm nghỉ dưỡng hiện nay đang đơn thuần sao chép các các thiết kế hiện hữu của nước ngoài, bỏ qua các yếu tố xu hướng thị trường, văn hóa địa phương để kiến tạo nét đặc trưng riêng cho dự án.
Hệ quả của việc phát triển tràn lan này là những điểm đến vốn rất nổi tiếng của Việt Nam đang dần mất sức hút trong mắt khách du lịch nước ngoài, khách Bắc Âu, Nhật, Mỹ.
Trong khi đó, theo ông Long, việc thu hút khách nước ngoài chất lượng cao luôn là trọng tâm phát triển du lịch của không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới. Chỉ khi "xuất khẩu" được du lịch ra thế giới, Việt Nam mới có thể thu được nhiều giá trị từ ngành du lịch. Đó cũng chính là sự phát triển bền vững của các khu nghỉ dưỡng trong dài hạn.
Nhưng khi đã hướng tới đối tượng khách hàng trong nước và khách Trung Quốc giá rẻ, các khu nghỉ dưỡng "ngoại lai" gần như không thể hướng tới đối tượng khách hàng khác cao cấp hơn.
Cần một "nhạc trưởng"
Trong bài toán phát triển các khu du lịch, theo ông Long, không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp nếu họ áp dụng phong cách kiến trúc nước ngoài bởi họ là nhà đầu tư và phải đặt mục tiêu thu hồi lợi nhuận lên hàng đầu.
Mặt khác, nếu phát triển các khu nghỉ dưỡng theo hướng thu hút khách chất lượng cao, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ tiềm lực kinh tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải "lấy ngắn nuôi dài", chớp cơ hội để chiếm lĩnh thị trường có sẵn.
Tương lai mù mịt tại nhiều dự án bất động sản du lịch
Trước thực trạng này, ông Long cho rằng, vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước cần có một bài toán tổng thể, quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển du lịch.
Ông Long cho rằng không cần thiết phải "bài trừ" những khu du lịch theo phong cách thiết kế nước ngoài, bởi ở góc độ nào đó, các khu du lịch này cũng có những thành công nhất định trong việc tạo sự hiếu kỳ, thu hút khách nội địa.
Tuy nhiên, ông Long khuyến nghị không nên phát triển tràn lan phong cách này như hiện nay, mà trong quy hoạch chung, ngành du lịch cần phải phân định, định vị rõ ràng các điểm đến, đối tượng thu hút khách để doanh nghiệp căn cứ vào đó mà có hướng phát triển phù hợp.
Đơn cử như với những khu vực không được thiên nhiên ưu đãi, quy hoạch có thể cho phép các nhà đầu tư hướng tới việc phát triển du lịch theo hướng vui chơi giải trí nhiều hơn để hấp dẫn khách hàng đại chúng.
Ngược lại, những điểm đến nổi tiếng, tầm cỡ thế giới cần được định vị rõ ràng để hấp dẫn đối tượng khách hàng cao cấp, có mức chi trả cao. Từ đó, các chủ đầu tư cần phát triển các dự án mang đậm tính bản địa, bảo tồn nét đẹp vốn có của tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên để thu hút khách nước ngoài.
Ông Long nhấn mạnh, nếu cứ mãi phát triển thiếu định hướng chiến lược rõ ràng, các sản phẩm đan xen, hỗn loạn như hiện nay, ngành du lịch sẽ mãi mờ nhạt, không đặc sắc và rất khó có thể cạnh tranh với khu vực và thế giới.