Kiềng ba chân trong kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling tin rằng, dư địa của kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn, nếu biết tận dụng lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu, năng lực sản xuất, cũng như khả năng tạo điểm nhấn thương hiệu.

"Tăng trưởng bền vững, phát triển xanh" đang là xu hướng tiếp cận kinh tế và là mục tiêu quan trọng mà phía Việt Nam muốn theo đuổi. Vậy Amazon có các công cụ, chương trình gì để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chiến lược này, thưa ông?

Ông Gijae Seong: Chúng tôi luôn nỗ lực để thúc đẩy phát triển bền vững, từ những hoạt động thực tế như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon…

Hiện nay, khi bán hàng toàn cầu qua Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia một số chương trình để hòa cùng mục tiêu tăng trưởng bền vững, phát triển xanh.

Amazon hiện đang khuyến khích các nhà bán hàng đóng gói bao bì sản phẩm theo hướng giảm thiểu vật liệu. Năm 2022, Amazon đã vận chuyển 11% số lượng sản phẩm bán ra trên toàn cầu mà không cần thêm bao bì.

Bên cạnh đó, Amazon cũng đưa ra chứng nhận "thân thiện với khí hậu" từ năm 2020. Để đủ điều kiện, sản phẩm cần phải có ít nhất một trong các chứng nhận đủ điều kiện.

Chứng nhận này cho phép các khách hàng tìm kiếm sản phẩm bền vững dễ dàng, gia tăng khả năng hiển thị. Thực tế, khách quốc tế có xu hướng chuyển sang tìm kiếm các sản phẩm thân thiện môi trường, bền vững, các doanh nghiệp được gắn chứng nhận này sẽ có cơ hội thu hút sự chú ý và quan tâm của khách hàng.

Theo dữ liệu, hơn 60 triệu khách hàng đã chuyển sang các lựa chọn sản phẩm bền vững và nhà bán hàng nhận thấy rằng việc thêm chứng nhận này cho sản phẩm sẽ tăng lượt xem trang sản phẩm lên trung bình 10%.

Tại Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp rất nỗ lực để đạt được chứng nhận này như hạt điều Lafooco - đáp ứng các tiêu chuẩn về hạt điều hữu cơ và nhận được chứng nhận ngay trên gian hàng của họ.

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - Ảnh: HD

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - Ảnh: HD

Trước nhiều thương hiệu từ các quốc gia khác cùng xuất khẩu qua thương mại điện tử trên Amazon, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam là gì, thưa ông?

Ông Gijae Seong: Tôi tin rằng, cơ hội lớn luôn đi kèm thách thức lớn, và không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mới đối diện với các thách thức này. Theo quan sát của chúng tôi, doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam đang đối diện với hai thách thức chính.

Đầu tiên là nhóm các nhà bán hàng từng kinh doanh online. Nhóm này thường bắt xu hướng nhanh, họ gần như ngay lập tức bắt nhịp các xu hướng mới nhất của bán hàng qua thương mại điện tử.

Trước đây, họ chỉ bán sản phẩm, tính lợi nhuận trên từng sản phẩm. Do đó, để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, họ cần có tầm nhìn dài hạn, cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh nghiêm túc cùng với nỗ lực xây dựng thương hiệu.

Nhóm thứ hai là các nhà sản xuất truyền thống hoặc chủ thương hiệu. Nhóm này có năng lực sản xuất, song chưa biết cách làm thương hiệu trên môi trường số.

Họ thường có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu ở môi trường trong nước nhiều hơn, thông qua các cách thức truyền thống. Tuy nhiên, khi bước vào thương mại điện tử, cách làm thương hiệu phải khác.

Thêm vào đó, dù biết cần có câu chuyện thương hiệu, song các doanh nghiệp nhóm này lại chưa biết cách tận dụng các công cụ, giải pháp để bảo vệ thương hiệu, xây dựng các chương trình khuyến mãi, lên kế hoạch tìm hiểu nhu cầu thị trường bài bản.

Theo ông, đâu sẽ là lợi thế của danh mục sản phẩm từ Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới?

Ông Gijae Seong: Thế mạnh sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua trên sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới nổi bật nhất là các sản phẩm liên quan đến gỗ, có hai nhóm chính là nhà cửa và nhà bếp.

Theo quan sát, sau một thời gian vận hành và tối ưu, các nhà bán hàng trong mảng gỗ - nội thất đã bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm. Thời gian gần đây có xu hướng chuyển dịch từ các sản phẩm nội thất sang các sản phẩm ngoại thất, có kích thước lớn hơn.

Bên cạnh đó là các sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên, mang tính địa phương của Việt Nam. Được ứng dụng ở 2 danh mục là sản phẩm tiêu dùng (trà thảo mộc, cà phê, trái cây khô) và sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng).

Chẳng hạn, thương hiệu Abera từ Việt Nam sử dụng nghệ, nha đam, bột cà phê… để sản xuất các sản phẩm chăm sóc da, tóc, răng, được thị trường ghi nhận rất tích cực.

Hay CVI Pharma cũng có các sản phẩm thực phẩm chức năng ứng dụng các lợi thế địa phương và giải quyết câu chuyện chăm sóc sức khỏe.

Có thể nói, dư địa của các ngành này là rất lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Cần lưu ý rằng lợi thế nguyên liệu tự nhiên không phải yếu tố duy nhất quyết định thành công của doanh nghiệp.

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử cần kiềng 3 chân. Thứ nhất là năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương.

Thứ hai là kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng số để vận hành doanh nghiệp. Thứ ba là làm thương hiệu, tạo điểm nhấn khác biệt, sau thời gian rất ngắn, sản phẩm và thương hiệu sẽ dễ bị làm nhái, giả mạo.

Số lượng các nhà bán hàng Việt Nam có doanh thu 1 triệu USD/năm đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua - Ảnh: HD

Số lượng các nhà bán hàng Việt Nam có doanh thu 1 triệu USD/năm đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua - Ảnh: HD

Còn câu chuyện tăng trưởng quy mô và gia tăng doanh thu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới thì sao, thưa ông?

Ông Gijae Seong: Chúng tôi ghi nhận số lượng các nhà bán hàng Việt Nam có doanh thu 1 triệu USD/năm đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua. Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp Việt Nam thành công đều không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm.

Ví dụ như hàng nội thất thành công rất lớn nhờ vào thế mạnh tay nghề của Việt Nam. Đa phần các sản phẩm chủ lực của nội thất Việt Nam là các sản phẩm trang trí nhà cửa, các sản phẩm nhỏ lẻ trong nhà bếp như: thớt gỗ, ghế gấp...

Tuy nhiên, gần đây họ bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm gỗ, nhiều hơn các sản phẩm ngoài trời nhiều hơn, như gạch lát sân vườn, bàn ghế có thể để ngoài sân, khung giường hay các cái loại ghế bàn có thể gập được.

Điều này nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng mở rộng các danh mục sản phẩm dựa trên lợi thế của họ, nhiều hơn là dựa vào cạnh tranh về giá.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gia tăng giá trị sản phẩm bán ra bằng giá trị thương hiệu. Điển hình như Abera, đạt doanh thu triệu USD chỉ sau chưa đầy một năm tham gia Amazon. Danh mục sản phẩm của Abera tận dụng rất tốt lợi thế địa phương như nhân sâm, nano nghệ, bột ngọc trai, bột cà phê…

Abera hiện cũng là một trong số các doanh nghiệp sáng tạo sản phẩm, xây dựng thương hiệu bài bản, biết sử dụng kỹ thuật, công nghệ để vận hành doanh nghiệp trên môi trường số thành công.

Xin cảm ơn ông!

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/kieng-ba-chan-trong-kenh-xuat-khau-qua-thuong-mai-dien-tu-1716984953334.htm