Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng ấn tượng
Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 13,9%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang đang đặt ra những thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản và thủy sản. Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa lớn hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%, qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 13,9%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, với tác động của thương chiến Mỹ - Trung đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh không thuận lợi đó, dự báo xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn của Việt Nam khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.
Bộ Công Thương dự báo những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tập trung các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... Nhưng dự báo các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, trong lúc giá giảm sâu khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao.