Kim Sơn: Nỗ lực đưa nghề đến lao động nữ nông thôn

Thời gian qua, lao động nữ huyện Kim Sơn đã được tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Phụ nữ xóm 4, xã Kim Trung cải thiện cuộc sống nhờ nghề đan lát.

Phụ nữ xóm 4, xã Kim Trung cải thiện cuộc sống nhờ nghề đan lát.

Năm 2016, khi Doanh nghiệp chiếu cói Anh Bình đi vào hoạt động, chị Đào Thị Hiền là một trong số những lao động đầu tiên vào làm việc tại đây. Sẵn biết nghề truyền thống, lại được "cầm tay chỉ việc" khi có những mẫu mã mới, tay nghề của chị Hiền liên tục được nâng cao.

Với tay nghề ấy, hiện nay, mỗi tháng chị Hiền có được mức lương từ 5-6 triệu đồng. Không chỉ làm việc chăm chỉ 8 tiếng tại doanh nghiệp, hết giờ, chị Hiền nhận thêm hàng về nhà để các thành viên khác trong gia đình có thể phụ thêm. Cùng với thu nhập từ làm ruộng, nghề đan bèo bồng đã giúp vợ chồng chị Hiền có thu nhập ổn định để nuôi 2 người con học đại học.

Chia sẻ về nghề, chị Hiền cho biết, đan lát là nghề truyền thống, dễ học, dễ làm và đặc biệt là rất phù hợp với lao động nữ. Những người làm nghề đều mong mỏi doanh nghiệp thường xuyên có đơn hàng để đảm bảo việc làm cho người lao động.

"Ở nông thôn, phụ nữ ở độ tuổi gần 50 như tôi thì không thể tìm việc ở các công ty lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp chiếu cói hoạt động hiệu quả ở địa phương đã giúp chúng tôi có cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi tự nhủ tích cực, chủ động học hỏi các kỹ năng nghề để có thể tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường"- chị Hiền nói.

Ông Lưu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết, những năm qua, xã Hùng Tiến luôn quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nghề thủ công trên địa bàn như: đan lát, cói, bèo; khai thác các nguồn hàng từ các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn... để tạo việc làm cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Đặc biệt, năm 2023, nghề Cói xã Hùng Tiến đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Đây là cơ hội lớn để nhiều người lao động có cơ hội việc làm ngay tại quê hương mình.

Gia đình bà Trương Thị Nhung, 55 tuổi ở xóm 4, xã Kim Trung làm nghề nuôi thủy sản. Để có thêm thu nhập lúc nông nhàn, bà Nhung tranh thủ làm thêm nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ - một nghề vốn được coi là thế mạnh ở Kim Sơn.

"Tháng 4 vừa qua, tôi tham gia vào CLB Liên thế hệ tự giúp nhau và đã được vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế. Số vốn này tôi dành để mua thêm nguyên, vật liệu và một số dụng cụ hữu ích khác để làm nghề. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập từ nghề đan lát này. Mỗi ngày, ngoài việc chính là nuôi hàu, tôm; tôi cũng có thể tranh thủ có thêm thu nhập từ 70-100 nghìn đồng/ngày từ nghề đan lát. Số tiền này rất hữu ích đối với nhà nông"- bà Nhung phấn khởi.

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng xóm 4, xã Kim Trung cho biết: Ở Kim Trung, chủ yếu các hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều bấp bênh bởi dịch bệnh, thời tiết, thị trường tiêu thụ… vì vậy, việc có thêm nghề phụ để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương là vô cùng quan trọng.

Thuận lợi ở Kim Trung, đó là có nghề đan lát hoạt động khá hiệu quả. Vì vậy, người lao động, nhất là lao động nữ được địa phương phối hợp với các doanh nghiệp dạy nghề, tạo việc làm phù hợp. Đặc biệt, mới đây, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau xóm 4 được thành lập đã thu hút sự tham gia của 54 thành viên.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, đó là giúp hội viên phát triển kinh tế. Từ nguồn quỹ 80 triệu đồng do Dự án hỗ trợ đã tạo điều kiện cho 12 thành viên nữ được vay vốn phát triển kinh tế. Các hội viên đã sử dụng vốn để mở rộng, phát triển nghề đan lát; chăn nuôi lợn, gà... Đối với nghề đan lát, làm chăm chỉ, mỗi lao động cũng có nguồn thu từ 100-150 nghìn đồng/lao động/ngày. Khoản tiền này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình.

Những năm qua, việc quan tâm, hỗ trợ về việc làm đối với lao động nữ được huyện Kim Sơn thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh, các đơn vị, các doanh nghiệp… đã thực hiện đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho trên 10 nghìn lao động nông thôn, trong đó phần nhiều là lao động nữ.

Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức dạy nghề cho trên 5 nghìn lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ là trên 5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, điển hình như: Doanh nghiệp tư nhân Ba Lan với nghề đan cói, bèo bồng; Doanh nghiệp Thùy Dung với nghề may công nghiệp; Doanh nghiệp Chiếu cói Quang Phong; Doanh nghiệp Chiếu cói Kim Sơn...

Với sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn nên sau học nghề đã có trên 90% người lao động có việc làm với nguồn thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho lao người lao động. Không chỉ dừng lại ở đó, hàng năm nguồn lao động này tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tay nghề để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn cũng là đơn vị có nhiều nỗ lực đưa nghề về với lao động nữ. Chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn cho biết, trong 2 năm qua, Huyện hội đã phối hợp tổ chức 165 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 8.600 hội viên; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 2 lớp dạy nghề cho 85 hội viên, phụ nữ; hỗ trợ 135 phụ nữ khởi nghiệp và hoàn thiện các thủ tục công nhận OCOP cho sản phẩm đạt 3 sao; đến nay, có trên 7.700 hội viên vay vốn với tổng dư nợ 457 tỷ đồng để phát triển các mô hình kinh tế. Hội Phụ nữ huyện cũng đã giới thiệu việc làm cho 675 lao động nữ. Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định, trong 2 năm qua, đã có 150 phụ nữ nghèo, cận nghèo đứng chủ thoát nghèo bền vững.

Độc lập trong phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Kim Sơn tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ "Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc", vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"…

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-no-luc-dua-nghe-den-lao-dong-nu-nong-thon/d20241016154415407.htm