Kinh hãi 'thầy lang' xử lý vết bỏng bằng... lông động vật

'Thầy lang' đã dùng lông động vật đắp lên vết bỏng của cháu bé mới 8 tháng tuổi.

Ngày 6/11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.A. (8 tháng tuổi, trú tại Quỳnh Lưu) bị bỏng cháo nóng từ trên ngực xuống bàn chân.

Theo lời kể của gia đình, qua lời giới thiệu của hàng xóm, đã đưa bé bị bỏng tới "thầy lang" chữa mẹo. Tại đây, thầy lang dùng lông động vật (nghĩ nhiều là lông của chó) đắp lên vết bỏng. Thấy cách làm phản khoa học, gia đình đã đưa bé T.A. tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị chuyên sâu.

Kinh hoàng khi thầy lang dùng lông động vật đắp lên vết bỏng.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đã nhận định rõ nguy cơ nhiễm trùng do sơ cứu phản khoa học. Bé T.A. khẩn trương được chuyển tới bồn tắm điều trị bỏng, trẻ được tắm nước ấm, sát khuẩn toàn thân. Từng mảng lông động vật đắp vết bỏng được các bác sĩ loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể bé.

Bác sĩ Đường Thị Hải Chi - chuyên ngành ngoại bỏng - khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng nhận định: "Bé T.A. bị bỏng cháo nóng 32% diện tích cơ thể độ II, III. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi tiến hành truyền dịch, giảm đau cho trẻ và chuyển thẳng bé tới phòng tắm điều trị bỏng. Bé T.A. đã được làm sạch toàn bộ lông động vật trên tổn thương bỏng, thay băng đắp thuốc điều trị bỏng, đề phòng nhiễm trùng vết thương bỏng".

Tại thời điểm này bé vẫn đang sốt cao (39°C), các bác sĩ duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi bé. Hiện tại, các bác sĩ đang tập trung các phương pháp điều trị, khoa học nhất chữa trị cho bệnh nhi.

Bác sĩ Chi cho biết thêm: "Trong quá trình điều trị, không ít lần các bác sĩ gặp phải các trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhập viện với tình trạng nặng, thậm chí tử vong do sử dụng các phương pháp xử lý bỏng sai lầm, phản khoa học. Trong đó, lỗi sai khi sơ cứu phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải đó là: bôi nước mắm, kem đánh răng, trứng gà, sữa bột lên vùng bị bỏng; đắp hành tỏi, dầu mỡ.... Nhiều trường hợp còn dùng viên đá lạnh để chườm trực tiếp lên vết bỏng, chính điều này đã làm cho tổn thương trở nên nặng hơn".

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi bị bỏng nước người dân sơ cứu bằng cách:

Lập tức hạ nhiệt độ cho vùng da bỏng, tốt nhất nên sơ cứu bỏng nước sôi bằng cách nhanh chóng làm nguội vết thương để vùng bị tổn thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng nước sôi vào nước lạnh (16-20 độ C) trong vòng 15-20 phút cho đến khi cơn đau dịu bớt.
Giữ cho vết bỏng sạch sẽ, không được động chạm gì trong vòng 24 giờ sau.
Chẳng may vết bỏng ở những chỗ dễ đụng chạm, bạn có thể dùng một băng vải đắp lên vết bỏng tránh sự đụng chạm vào vết bỏng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để xử lý.

Xem thêm video đang được quan tâm:

H.Yến - V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//kinh-hai-thay-lang-xu-ly-vet-bong-bang-long-dong-vat-16921110610324761.htm