Kinh tế ban đêm - động lực mới cho phát triển

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Đà Lạt là 1 trong 10 địa phương được chọn thí điểm triển khai mô hình này.

Đà Lạt hội tụ những điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm

Đà Lạt hội tụ những điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề phát triển kinh tế ban đêm, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Văn Anh - Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Đà Lạt cho hay: Khái niệm "kinh tế ban đêm" (Night-time economy) hiện có khá nhiều định nghĩa, nhưng phổ biến nhất là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: Mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Hiệu quả đã được khẳng định

Tiến sỹ Nguyễn Văn Anh cho biết, trên thế giới, kinh tế ban đêm đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển từ sớm. Tại Anh quốc có hẳn một ngành công nghiệp ban đêm (NTIA - Night Time Industrie Association) tạo giá trị khoảng 6% GDP cho nước này. Năm 2016, thị trưởng London đã bổ nhiệm bà Amy Lame giữ chức vụ "Night Czar" (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24 giờ hàng đầu thế giới. Hiện, thủ đô London được xem là điểm đến hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm, mang lại hơn 700.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của thành phố.

Tại nước Mỹ, mà cụ thể là thành phố New York, hoạt động kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại khoảng 12 tỷ USD và tạo ra trên 140.000 việc làm; các quán bar thu về trên 2 tỷ USD; còn các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về khoảng 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống.

Hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú cần được đầu tư đồng bộ

Hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú cần được đầu tư đồng bộ

Tại châu Á, Đài Bắc nổi danh từ lâu với hoạt động giải trí về đêm. Điểm sáng làm kinh tế đêm ở “thành phố không ngủ” này là tận dụng nét văn hóa đặc trưng, đầu tư cơ sở hạ tầng tiện lợi và luôn tạo ra những điểm vui chơi độc lạ níu chân cư dân địa phương và du khách. Đài Bắc đã biến chợ đêm, vốn được coi là nét văn hóa đặc trưng của hòn đảo này, trở thành điểm nhấn hút khách du lịch. Những khu chợ đêm luôn đầy ắp các gian hàng buôn bán đủ loại mặt hàng từ quần áo đến đồ gia dụng. Chợ cũng có nhiều gian hàng bán đồ ăn với các món ăn chế biến từ đặc sản địa phương… Theo Liberty Times, bên cạnh ăn uống và mua sắm, Đài Bắc đang mở rộng các hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện, nhà sách 24 giờ, cửa hàng tiện lợi 24/7, rạp chiếu phim và nhiều dịch vụ giải trí khác.

Tại Việt Nam, thực tế từ khá lâu đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, thành phố Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng với khu Chợ đêm (Chợ âm phủ), là một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách thập phương khi Đà Lạt về đêm. Chợ đêm Đà Lạt đã giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, Chợ đêm Đà Lạt không những không được đầu tư phát triển mà những nét đặc sắc riêng có trước đây cũng dần bị mai một.

Ánh sáng là một trong những yếu tố cần được chú trọng trong kinh tế ban đêm

Ánh sáng là một trong những yếu tố cần được chú trọng trong kinh tế ban đêm

Đà Lạt hội tụ những điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm

Nói đến những tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt trong phát triển kinh tế ban đêm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là tài nguyên du lịch. Như chúng ta đã biết, hệ sinh thái rừng Lâm Đồng rất đa dạng phong phú trên 600.000 ha, có 2 vườn quốc gia là Bidoup Núi Bà và Cát Tiên; và 1 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang được UNESCO công nhận. Mặt khác, Lâm Đồng hiện đang sở hữu 2 di sản thế giới là: Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc bản địa Lâm Đồng thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Bộ mộc bản triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Khu biệt điện Trần Lệ Xuân - Đà Lạt được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World)…

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 457 khách sạn từ 1 - 5 sao, 36 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác (các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa khảo cổ,…), 51 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó, có 33 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Hàng năm, Lâm Đồng đón trên 7 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Kinh tế ban đêm - động lực mới cho phát triển

Kinh tế ban đêm - động lực mới cho phát triển

Ngoài ra, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển, tăng cường tính kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực. Về đường bộ, các tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 27, đường tỉnh ĐT.721, 724, 725, đường vành đai, đường đô thị, huyện, xã và giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư. Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực phối hợp các bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện thủ tục đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương... tạo điều kiện thông suốt trong giao thông. Đồng thời, hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Đường hàng không tiếp tục phát triển, mở mới các đường bay kết nối các tỉnh trong nước và quốc tế.

“Với những tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, Đà Lạt - Lâm Đồng hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Không những thế, Đà Lạt còn có thể xây dựng xứng tầm trở thành một trong những trung tâm kinh tế đêm của cả nước và khu vực trong tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ…” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Với Đà Lạt nên xây dựng một không gian văn hóa cồng chiêng bên hồ Xuân Hương

Với Đà Lạt nên xây dựng một không gian văn hóa cồng chiêng bên hồ Xuân Hương

Cần sớm triển khai thí điểm kinh tế ban đêm

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.

Theo đó, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố - trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hội An, Thừa Thiên Huế, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn cho biết, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các nội dung của Đề án; đồng thời, đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Trước mắt, thành phố đang nghiên cứu và tiến tới xây dựng 1 - 2 mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực trung tâm thành phố phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của Đà Lạt, nhất là phù hợp với khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn cho rằng, thực tế hoạt động kinh tế ban đêm đã được diễn ra trên địa bàn như các khu vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, hội chợ thương mại… tập trung tại khu vực Chợ đêm Đà Lạt, khu phố đi bộ, Quảng trường Lâm Viên… Hoạt động kinh tế đêm của thành phố đã giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm của Đà Lạt nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp, do đó chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo thành phố, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Văn Anh - Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Đà Lạt nhắn gửi: Hiệu quả của kinh tế ban đêm đã được khẳng định trên phạm vi thế giới cũng như ở Việt Nam. Thành phố Đà Lạt cũng không ngoại lệ, phát triển kinh tế đêm sẽ là động lực mới phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong thời gian tới. Chính quyền thành phố cần mạnh dạn triển khai, thí điểm kinh tế ban đêm. Trước mắt, cần quy hoạch lại, nâng cấp những gì đang có; xây dựng bổ sung một số tuyến phố ẩm thực, mua sắm, một số trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nhà tắm hơi công cộng… Đặc biệt, với Đà Lạt cần thiết xây dựng một không gian biểu diễn văn hóa cồng chiêng xung quanh hồ Xuân Hương, mở các rạp chiếu phim 24/24 giờ…

Ẩm thực là nhân tố không thể thiếu trong phát triển kinh tế đêm

Ẩm thực là nhân tố không thể thiếu trong phát triển kinh tế đêm

Những giải pháp đồng bộ

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Anh, muốn phát triển kinh tế ban đêm cần “cởi trói” về tư tưởng, tháo bỏ bó buộc về chính sách, khuôn khổ pháp lý để kinh tế đêm tồn tại và phát triển. Cùng với đó, muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về chủng loại sản phẩm và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương. Trước hết, phải có nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng “bảo đảm tính địa phương tốt nhất”, nghĩa là sản phẩm kinh tế đêm của Đà Lạt phải đặc sắc, riêng có của Đà Lạt, chứ không chỉ là quán nhậu, chợ đêm… mà đến đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp như hiện nay.

Thực tế, kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để phát triển xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những triển vọng nêu trên thì kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Vì vậy, phát triển kinh tế ban đêm trước hết phải bảo đảm an ninh và an toàn. Đối với chính quyền và lực lượng chuyên trách, cần tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Thực tế hiện nay, các mô hình tuần tra kiểm soát ban đêm đã được áp dụng và đạt được những hiệu quả nhất định trong việc phát hiện sớm và ngăn ngừa các hoạt động phạm tội xảy ra. Việc quản lý người nước ngoài, du khách tham quan cũng cần được đưa vào tổng thể các hoạt động kiểm soát an ninh nói chung.

Các trò chơi có thưởng, rạp chiếu phim được phép hoạt động 24/24 giờ

Các trò chơi có thưởng, rạp chiếu phim được phép hoạt động 24/24 giờ

Do đòi hỏi của quản lý các hoạt động về đêm nên các lực lượng chức năng cần có chiến lược phân bổ nguồn nhân lực điều hành, quản lý phù hợp. Trong trường hợp cần thiết phải tăng cường lực lượng cho những khu vực trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiềm ẩn. Bố trí lực lượng ứng trực ban đêm với mức độ cân xứng với lực lượng làm việc ban ngày để bảo đảm sự có mặt và giải quyết tình huống khẩn cấp của các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm khoa học và đồng bộ. Phổ cập hệ thống camera giám sát tới từng nhà dân, các địa điểm công cộng; xây dựng phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh. Thiết lập lực lượng phản ứng nhanh kết nối với mạng lưới thông tin chung của khu vực nhằm kiểm soát tổng thể, ứng phó khẩn cấp.

Mặt khác, xây dựng, phát triển kinh tế đêm cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là giải pháp nằm trong tổng thể các giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự của kinh tế đêm. Tiêu biểu là hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi có thưởng… Các loại hình được kết nối trong hạ tầng cơ sở đồng bộ, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý được minh bạch, rõ ràng, tránh được các nguy cơ xấu phát sinh. Ngoài ra, để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm phát triển kinh tế ban đêm, Nhà nước cần ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư như miễn giảm thuế, tiền điện, nước, tiền thuê mặt bằng…

Các giải pháp cần có tính đồng bộ, cả trên cơ sở quy định pháp luật cũng như thực tế quản lý tại địa bàn, ứng với từng đặc điểm dân cư, lối sống, sinh hoạt ở địa phương đó. Phát triển kinh tế ban đêm chắc chắn là một hướng đi có tính chiến lược nhưng cũng cần có sự triển khai, quản lý tốt hơn từ các cơ quan ban ngành.

LÊ HỮU TÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/kinh-te-ban-dem-dong-luc-moi-cho-phat-trien-3043284/