Kinh tế Đức và bài toán thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga
Việc nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm đang khiến nền kinh tế Đức rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có khi cả ngành công nghiệp và các hộ gia đình nước này đều phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Nguy cơ thiếu hụt năng lượng
Hôm 23-6 vừa qua, Đức đã kích hoạt giai đoạn hai trong chương trình khẩn cấp gồm ba giai đoạn về khí đốt, đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiến gần hơn tới việc hạn chế sử dụng khí đốt trong công nghiệp.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết ông hy vọng sẽ không cần phải hạn chế tiêu thụ để vượt qua mùa đông sắp tới, nhưng cũng không thể đưa ra cam kết chắc chắn. “Từ giờ trở đi, nguồn cung khí đốt ở Đức sẽ bị thiếu hụt. Có thể các bạn chưa cảm nhận được nhưng thực tế là chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng khí đốt”.
Nếu bị hạn chế tiêu thụ khí đốt, lĩnh vực sản xuất của Đức sẽ chịu tổn hại nặng nề. Khí đốt là thành phần không thể thiếu trong ngành phân bón – vừa là nguyên liệu, vừa là nhiên liệu để cung cấp nhiệt lượng cho cả quá trình sản xuất. Ngoài, ra khí đốt còn được dùng để sản xuất nhiều loại hóa chất, khí hydro, phát điện và sưởi ấm trong mùa đông.
Hàng loạt giải pháp đang được giới chức Đức cân nhắc, bao gồm mua khí đốt từ các quốc gia khác, sử dụng khí đốt tiết kiệm hơn, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng than ở mức độ lớn hơn. Đảng Dân chủ Tự do thuộc liên minh cầm quyền, cũng kêu gọi duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân lâu hơn và dỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến.
Tăng cường sử dụng than đá trong ngắn hạn
Trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Đức từng có ý định loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than vào năm 2038, và thậm chí đẩy nhanh kế hoạch hơn nữa tới năm 2030. Tuy nhiên, giờ đây, 151 nhà máy điện than đang hoạt động hoặc đã ngừng vận hành trên khắp nước Đức lại trở thành một lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), nguồn cung năng lượng của Nga có thể được thay thế trong ngắn hạn thông qua việc sử dụng nhiều than hơn. Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức đã kêu gọi các nhà vận hành nhà máy điện than chuẩn bị đưa các nhà máy của họ đi vào hoạt động càng sớm càng tốt.
Một khó khăn đáng chú ý là việc nhiều nhà máy điện than sẽ phải nhập khẩu than cứng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga, bởi Đức đã đóng cửa mỏ than cứng cuối cùng của mình từ năm 2018. Tuy nhiên, Alexander Bethe, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu than cho biết “Than của Nga có thể được thay thế hoàn toàn bởi các nhà cung cấp khác như Mỹ, Colombia và Nam Phi trong vòng vài tháng tới”.
Những khó khăn trong việc gia tăng sản lượng năng lượng tái tạo
Theo chuyên gia Frank Grüneisen của Hiệp hội Năng lượng gió Đức, hiện tại các dự án năng lượng gió có tổng công suất khoảng 10.000 MW đang trong quá trình phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian trung bình để hoàn thiện các thủ tục cho mỗi tuabin gió sẽ là sáu năm. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ không thể có đủ số tuabin gió cần thiết trong thời gian ngắn.
Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với năng lượng mặt trời, ngay cả khi các hệ thống quang điện và nhiệt mặt trời có thể được sản xuất và đưa vào hoạt động tương đối nhanh chóng. Ông Carsten Körnig, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Đức, cho biết ngành công nghiệp này vẫn đang bị gián đoạn chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch Covid-19. Do vậy, việc mở rộng sản xuất sẽ phụ thuộc vào sự giảm bớt các rào cản hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính và sự lên kế hoạch kỹ lưỡng hơn.
Andrea Horbelt, người phát ngôn của Hiệp hội Khí sinh học Đức, cũng cho biết các nhà máy khí sinh học có thể nhanh chóng tăng sản lượng từ 95 TWh lên 120 TWh mỗi năm. Nhưng triển vọng này đang bị ngăn chặn bởi Đạo luật về các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó, sản lượng được điều chỉnh ở mức 95%. Theo ông Horbelt, nếu có các điều kiện phù hợp, sản lượng khí sinh học có thể đạt hơn 230 TWh mỗi năm vào năm 2030. “Con số này tương ứng với 42% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga”.
Điện hạt nhân không phải là giải pháp thay thế
Một giải pháp thay thế khác cũng đang được quan tâm nhưng tính khả thi không cao là năng lượng hạt nhân. Hiện tại, chỉ có ba nhà máy điện hạt nhân ở Đức vẫn được kết nối với lưới điện quốc gia. Theo dự kiến ban đầu, cả 3 sẽ đóng cửa vào cuối năm nay, như một phần kế hoạch của chính phủ Đức nhằm từ bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng gây tranh cãi này.
Chuyên gia Bruno Burger thuộc Viện nghiên cứu Fraunhofer ISE giải thích: “Đức đã hướng tới việc loại bỏ điện hạt nhân trong một thời gian dài, và theo kế hoạch này, các nhà vận hành nhà máy điện hạt nhân đã cắt giảm nhân viên của mình, đồng thời cũng ngừng đặt hàng các thanh nhiên liệu mới”.
Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng hạt nhân Đức cho biết, việc mua sắm các thanh nhiên liệu mới là khả thi – nhưng sớm nhất phải đến mùa thu năm 2023 mới có thể thực hiện được đầy đủ.
Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân hiện tại, chỉ tạo ra lượng điện khoảng 34,5 TWh trong năm 2021, bằng một phần ba sản lượng điện gió. Việc tăng mạnh sản lượng sẽ đòi hỏi phải xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, với nguồn vốn lớn và khoảng thời gian là nhiều thập kỷ.
Các nguồn khí đốt khác
Để giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, Chính phủ Đức cũng như nhiều nước châu Âu khác đang đẩy mạnh nỗ lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các nỗ lực này là không hề dễ dàng bởi thị trường năng lượng thế giới đang khá eo hẹp. Các cuộc đàm phán giữa châu Âu với Qatar đang vấp phải trở ngại lớn khi quốc gia Trung Đông này yêu cầu ký kết một hợp đồng dài hạn 20 năm, trong khi Châu Âu cần một hợp đồng ngắn hạn hơn để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của khu vực. Bên cạnh đó, Đức hiện vẫn chưa có đủ các cơ sở cần thiết để nhập khẩu khí LNG, và sẽ phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị.
Việc khai thác các nguồn khí đốt nội địa cũng đã được tính đến. Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức ước tính rằng, nước này có khoảng 4.500 TWh khí tự nhiên được chứa trong các vỉa than và 23.000 TWh khác trong đá phiến.
Tiết kiệm năng lượng là chìa khóa cho cuộc khủng hoảng
Dù nước Đức đi theo con đường nào, Viện kinh tế DIW, Trung tâm nghiên cứu khoa học Forschungszentrum Jülich và Hiệp hội Các ngành công nghiệp nước và năng lượng Đức (BDEW) đều đồng ý rằng việc mất đi nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ không thể được thay thế hoàn toàn bằng các nguồn năng lượng khác. Nền kinh tế Đức, do vậy, sẽ cần phải cố gắng tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Theo BDEW, tiềm năng tiết kiệm đáng kể nhất trong ngắn hạn là hoạt động sưởi ấm. Các cơ sở thương mại, dịch vụ có thể tiết kiệm khoảng 10% lượng khí đốt thường dùng, trong khi các hộ gia đình có thể tiết kiệm tới 15%. Chính phủ Đức cũng đã phát động một chiến dịch tiết kiệm năng lượng gây tranh cãi, khi kêu gọi người dân hạn chế việc sưởi ấm và tắm bằng nước nóng.
Bên cạnh đó, Berlin cũng hy vọng có thể hạn chế mức tăng tiêu thụ năng lượng trong sản xuất bằng mô hình đấu giá khí đốt dựa trên cơ sở thị trường. Các ngành công nghiệp sẽ được cung cấp những ưu đãi, để tự mình cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, từ đó chuyển số năng lượng tiết kiệm được sang dự trữ dài hạn. Theo Karl Haeusgen, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí và Nhà máy Đức, “biện pháp này sẽ ít gây tổn hại cho các thành phần của nền kinh tế hơn so với việc chính phủ áp đặt các quy định phân bổ khí đốt”.
Nguồn: DW, Bloomberg, CNN Business, Politico
Lạc Diệp