Kinh tế hợp tác đang phát triển đúng hướng

Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn xác định phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng, góp phần giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thành lập mới 14 HTX, nâng tổng số hợp tác xã lên 515 (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các HTX cũng ngày càng nâng cao, có trên 72% HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 918 triệu đồng/năm (tăng 2,8% so với năm 2023); thu nhập bình quân của lao động trong HTX đạt 48 triệu đồng/năm (tăng 2,1% so với năm 2023). Hiện số thành viên của các HTX là 7.568 (tăng 2,7%), tổng số lao động thường xuyên trong các HTX ước khoảng 8.529 người (tăng 4% so với năm 2023). Toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 tổ hợp tác, với 36.385 người. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác 198 triệu đồng/năm (tăng 3,1%), lãi bình quân ước đạt 28 triệu đồng/năm (tăng 1,8% so với cùng kỳ).

Hầu hết các HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX 2012, với bộ máy quản lý, điều hành tinh gọn và linh hoạt hơn. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động, nhiều HTX còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội do địa phương, các cấp, ngành phát động.

Bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, các HTX trên địa bàn tỉnh còn hoạt động đa dạng trong các ngành, nghề, lĩnh vực, như nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ; xây dựng; quỹ tín dụng nhân dân và mở rộng hoạt động trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới như công nghệ số, du lịch, bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, dịch vụ vệ sinh, điện nước, cung cấp nước sạch... Các HTX đã áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh độc canh, đơn lẻ, truyền thống, sang chuỗi giá trị để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng tầm sản phẩm, tạo hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn.

Một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, như mô hình sản xuất, chế biến chè chất lượng cao của HTX Bản Liền (Bắc Hà); HTX Nậm Dù Xuân Quang (Bảo Thắng) sản xuất mật ong, liên kết tiêu thụ quả na; HTX rau quả Thắng Lợi (thị xã Sa Pa) trồng dâu tây bằng phương pháp giá thể trong nhà kính; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình (Bắc Hà) trồng các loại rau, củ, quả trong nhà màng. Ngoài ra, tại thị xã Sa Pa có một số HTX du lịch hoạt động khá hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người lao động bản địa, như HTX Cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn; HTX Du lịch sinh thái Hoàng Liên; HTX du lịch Cộng đồng Tả Phìn; HTX Mường Hoa, xã Tả Van; HTX Tả Phìn Xanh...

Cũng như nhiều HTX khác trên địa bàn, khi mới thành lập, HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương (Bảo Thắng) gặp không ít khó khăn. Đơn vị đã chọn hướng phát triển là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, dược liệu và thực phẩm như tinh bột nghệ, bột sắn dây, khoai sâm (hoàng sin cô), hà thủ ô, cà gai leo, trà bí đao, trà mướp đắng, trà hoa đu đủ đực, miến dong, nấm hương... HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. HTX còn tích cực tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart, trên trang facebook, zalo...

 Các HTX chủ động đưa các sản phẩm địa phương trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Các HTX chủ động đưa các sản phẩm địa phương trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Hiện với 6 sản phẩm dược liệu đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, HTX đang dẫn đầu Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm của huyện Bảo Thắng. Mỗi năm HTX đưa ra thị trường khoảng 25 tấn tinh bột nghệ cùng nhiều sản phẩm nông sản khác.

Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 250 triệu đồng/tháng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, -Giám đốc HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương.

Xác định KTTT, HTX có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện, đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển. Tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX; mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các HTX chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ vốn cho các HTX phát triển sản xuất. Về đất đai, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tất cả các huyện, thị xã, thành phố, trong đó cập nhật đầy đủ công trình, dự án liên quan đến việc sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, HTX; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án, hồ sơ về đất đai.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực chất, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển KTTT, HTX. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu cho kinh tế hợp tác.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/kinh-te-hop-tac-dang-phat-trien-dung-huong-post387089.html