Kinh tế Kinh tế Tiền chạy lòng vòng

TTH - 'Cuộc đua tăng lãi suất chỉ khiến cho tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây rối loạn thị trường, rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp (DN) và chính người gửi tiền' - Giám đốc một ngân hàng nhận xét.

Khách hàng tham khảo lãi suất ở một ngân hàng tại Huế

Khách hàng tham khảo lãi suất ở một ngân hàng tại Huế

Kỳ vọng tiền gửi còn cao

Cả tháng qua, chị T.T.D. (ở Thành nội) theo dõi sát sao về lãi suất huy động (LSHĐ) của các ngân hàng. Chị D. muốn tìm một ngân hàng có lãi suất cao để gửi lại tiền sau khi tất toán sổ tiết kiệm. Chị kể đã ghi nhận các mức lãi suất được thông tin từ 9- 10%, có ngân hàng 11-12%/năm. Điều này khiến chị D. phân vân trong việc đưa ra quyết định, vì muốn chờ đợi LSHĐ sẽ còn tăng thêm từ nay đến cuối năm. Đây cũng là tâm lý chờ đợi LSHĐ tăng cao ở nhiều người gửi tiền.

Ở thời điểm đầu tháng 11, LSHĐ lên mức 10-11%/năm xuất hiện khá phổ biến ở các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì mức lãi suất này thực tế có các điều kiện đi kèm và không phải ai cũng có thể hưởng được. Trong bối cảnh các kênh đầu tư đều chững lại, dòng tiền chảy nhiều hơn vào kênh tiết kiệm dường như đã khiến cho cuộc đua tăng LSHĐ của các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày càng náo nhiệt.

LSHĐ bắt đầu tăng đều ở các ngân hàng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9. Lần tăng tiếp theo vào cuối tháng 10, các NHTM mạnh tay điều chỉnh LSHĐ. Theo đó, trần LSHĐ kỳ hạn dưới 6 tháng đa số đều tăng lên mức tối đa theo quy định. Cuộc đua lãi suất cũng đã có các NHTM quốc doanh tham gia, với mức tăng mạnh 1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 12 tháng hồi đầu tháng 11.

Khách hàng ưu tiên chuyển tiền gửi đến ngân hàng có lãi suất cao hơn

Khách hàng ưu tiên chuyển tiền gửi đến ngân hàng có lãi suất cao hơn

Techcombank, ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) thuộc nhóm lớn nhất trên thị trường, nâng lãi suất không kỳ hạn tăng từ mức 0,03% lên mức tối đa là 1%/năm. VPBank tăng lãi suất lên mức trần 1%/năm.

Cuộc đua về LSHĐ cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang khó khăn, do đó các NHTM có động cơ tham gia để đảm bảo thanh khoản cho chính họ và cho cả hệ thống nói chung.

Giám đốc một ngân hàng dẫn chứng: Trong vòng khoảng một tuần, có NHTM cổ phần đẩy LSHĐ lên hơn 17,5%/năm, đã “hút” được mấy ngàn tỷ đồng, thì cũng rất nhiều ngân hàng khác đã bị hụt vài trăm tỷ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, cũng chính ngân hàng này, do thừa tiền đã cho nhiều ngân hàng nhỏ vay hàng chục ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hiện tượng, nhiều ngân hàng lớn được NHNN “bơm” một lượng vốn lớn qua thị trường mở (OMO) đã mang đi gửi ở những ngân hàng nhỏ, hưởng lãi suất cao.

Theo NHNN Thừa Thiên Huế, dự ước đến cuối tháng 11/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 60.000 tỷ đồng; trong khi, dư nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 73.000 tỷ đồng (gần 1,5 lần).

Hệ lụy khó lường

Đại diện một NHTM cổ phần phân tích: Trong cuộc đua tăng LSHĐ vừa qua, có ngân hàng vì giữ chân khách hàng đã và đang ồ ạt rút ra; có ngân hàng vì muốn gia tăng khối lượng vốn phục vụ nhu cầu cuối năm; có trường hợp vì thấy các ngân hàng khác tăng nên mình cũng phải tăng. “Chúng tôi cũng phải nghe ngóng, điều chỉnh theo tín hiệu thị trường mà không thể đứng ngoài cuộc được”, vị này nói.

Trong khi, lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn nhận xét: Tốc độ tăng trưởng vốn huy động của ngân hàng không đột biến, dù rằng mặt bằng lãi suất cũng đã được điều chỉnh. Bởi phần vì người gửi tiền có tâm lý nghe ngóng, kỳ vọng cuộc chạy đua sẽ đẩy lãi suất thị trường lên cao hơn nữa mới gửi tiền, phần khác vì các kênh đầu tư khác cũng có sức hút và được các nhà đầu tư lựa chọn.

Vốn không chảy được vào khu vực sản xuất, kinh doanh (SXKD), các lĩnh vực ưu tiên mà chạy vòng quanh hệ thống ngân hàng. Người dân khi rút tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác cũng tốn thời gian, chi phí... Số ít vốn đến được tay DN thì có lãi suất quá cao, gần 20%; trong khi tỷ suất lợi nhuận trung bình của DN cũng không đạt được mức đó. Điều này rõ ràng gây rủi ro cho cả DN, ngân hàng. Cuộc đua lãi suất, nếu còn tiếp tục, “quả đắng” lãi suất cao sẽ dồn lên vai DN. Bản thân một số DN, có nguồn tiền nhàn rỗi cũng “không thèm” SXKD mà đem gửi vào ngân hàng.

Việc thu hút khách hàng gửi tiền bằng lãi suất dẫn đến hệ lụy lớn trên thị trường, tác động không tích cực với chính các TCTD vì chi phí cao, không ổn định và rủi ro thị trường. Điều này còn tạo ra hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo sự xáo trộn không cần thiết và tâm lý không tốt trên thị trường. Mặt khác, khi các ngân hàng chạy đua LSHĐ thì lãi suất cho vay đầu ra sẽ phải tăng cao theo, kéo theo đó là nợ xấu có khả năng gia tăng.

Sau một thời gian căng thẳng, buộc phải lao vào cuộc chạy đua LSHĐ, nhiều ngân hàng đã tạm thở phào khi NHNN vừa yêu cầu: LSHĐ không được vượt quá 14%/năm. Tình hình LSHĐ có vẻ “bình yên” hơn sau khi NHNN có văn bản chính thức. Dù vậy, cũng cần chú ý, khi áp lực “ngầm” trên thị trường còn lớn mà các giải pháp chỉ tập trung vào can thiệp hành chính thì có thể dẫn đến hệ lụy “đi đêm” lãi suất, chi lãi ngoài (hiện tượng “cộng thêm” lãi suất ưu đãi bên ngoài ở một số ngân hàng).

Theo NHNN tỉnh, thanh khoản của các TCTD hiện nay vẫn tốt và có dư thừa. Trong tháng 10 vừa qua, thị trường chủ yếu chịu tác động của yếu tố tâm lý và những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới. Với vai trò điều hành của mình, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các TCTD, đặc biệt là dịp cuối năm.

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tien-chay-long-vong-a121529.html