Kinh tế Quảng Nam phục hồi chậm trong 3 tháng đầu năm
Ngày 2/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thông báo tình hình kinh tế xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.
Tăng trưởng âm
Tại sự kiện, ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho hay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quảng Nam quý I/2024 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện hơn so với các quý trước nhưng phục hồi chậm.
Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%; VA khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 8,1%; VA khu vực dịch vụ tăng 3,3% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 7,6%.
Quy mô nền kinh tế đạt trên 26,2 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành) với cơ cấu GRDP như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,1%; khu vực dịch vụ chiếm 37,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 22%.
Với số liệu như trên, Quảng Nam so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức tăng trưởng thấp thứ 3 và xếp vị thứ 29/63 về quy mô GRDP; so với 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thì thấp nhất về mức tăng trưởng và xếp vị thứ 4/5 tỉnh và 8/14 tỉnh về quy mô nền kinh tế.
So với thời điểm năm 2023, kết quả thu từ nguồn thu khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương tương đối ổn định; 03 khu vực, sắc thuế giảm, gồm doanh nghiệp nhà nước địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu tiền sử dụng đất; 4 khu vực, sắc thuế tăng, gồm: công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 được HĐND tỉnh giao là 23.600 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm là 5.320 tỷ đồng, đạt 23% dự toán và bằng 81% so cùng kỳ năm 2023; gồm: thu nội địa 5.069 tỷ đồng, đạt 26% dự toán và thu xuất nhập khẩu 226 tỷ đồng, đạt 6%. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 6.977 tỷ đồng, đạt 22% dự toán (31.368 tỷ đồng), bằng 123% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 4.024 tỷ đồng, đạt 82%; chi thường xuyên 2.952 tỷ đồng, đạt 21%.
Tính đến ngày 21/3/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 0,8 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, gồm: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hơn 0,3 tỷ USD, tăng 1,1% và kim ngạch nhập khẩu gần 0,5 tỷ USD, tăng 12,1%. Cục Hải quan tỉnh đã giải quyết thủ tục hải quan cho 395 doanh nghiệp, thực hiện thông quan hàng hóa cho 28.023 tờ khai, tăng 14,5,3%; giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh 11.372 lượt phương tiện vận tải đường bộ, tăng 365% và 56 lượt phương tiện vận chuyển đường biển, giảm 5,1%.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Đến cuối quý I, tổng nguồn vốn huy động đạt 88.119 tỷ đồng, tăng gần 13,1% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 108.073 tỷ đồng, tăng 3,1%; tổng nợ xấu trên địa bàn là 2.107 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,95% tổng dư nợ, tăng 42,6% so với đầu năm.
Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng tín dụng tại hệ thống ngân hàng đang được kiểm soát, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định.
Kiểm soát 3 loại dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc
Trong khi đó, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sản xuất nông nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Với tốc độ tăng 3,2% của VA khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thì hoạt động sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; VA ngành lâm nghiệp tăng 5,2%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm và VA ngành thủy sản tăng 1,6%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
So với cùng vụ năm trước, vụ Đông Xuân năm 2024 toàn tỉnh gieo trồng được hơn 76,9 nghìn ha, giảm 209 ha; các trà lúa Đông Xuân đều sinh trưởng tốt với diện tích đạt 41.530 ha, tăng 66 ha.
Diện tích cây lâu năm tương đối ổn định, năng suất có xu hướng tăng. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục chuyển đổi cây hằng năm sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây lâu năm có hiệu quả cao hơn.
Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong dịp Tết với tổng đàn gia súc hiện nay trên 573 nghìn con, tăng 8,4 nghìn con và tổng đàn gia cầm đạt trên 8,8 triệu con giảm 150 nghìn con. Tính chung 3 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại vật nuôi ước đạt 18.882 tấn, tăng 769 tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt trên 64 triệu quả, tăng 2,6 triệu quả.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 loại dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gồm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục và bệnh lở mồm long móng; đến nay đã cơ bản được kiểm soát.
Ngoài ra, diện tích cây trồng bị nhiễm một số đối tượng gây hại nhưng các ngành chức năng đã kịp thời thông báo và hướng dẫn nông dân nên không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng.
Sản xuất lâm nghiệp trong quý I tập trung thực hiện công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng và thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác.
So với quý I năm 2023, toàn tỉnh trồng mới trên 1,9 nghìn ha rừng tăng 105 ha và 1,9 triệu cây phân tán, tăng 110 nghìn cây; sản lượng gỗ khai thác đạt gần 198,4 nghìn m3, tăng 10,4 nghìn m3.
Hiện nay, ngành lâm nghiệp đã tổ chức triển khai tích hợp ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) trong tuần tra, quản lý rừng lên hệ thống giám sát tài nguyên rừng tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Sản xuất thủy sản vẫn đảm bảo các mục tiêu và kế hoạch phát triển cả khai thác, nuôi trồng; góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực nông lâm thủy sản. Tàu thuyền khai thác được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ và các tàu thuộc nhóm công suất lớn kém hiệu quả; ngư trường khai thác tập trung ở vùng ven bờ và vùng lộng.
Diện tích nuôi trồng đều tăng; trong đó, diện tích nuôi cá trên 1.735 ha, tăng 40 ha và diện tích nuôi tôm trên 1.222 ha, tăng 30 ha.
Tổng sản lượng thủy sản trong quý I đạt 25.660 tấn, tăng 266 tấn, gồm: sản lượng khai thác đạt 21.317 tấn, tăng 141 tấn và sản lượng nuôi trồng đạt 4.343 tấn, tăng 125 tấn.
"Nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối Thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Bửu thông tin.