Kinh tế thế giới nổi bật (28/10-3/11): Cấm dầu Nga, EU gặp cú sốc lớn; ông Putin 'nói nước đôi' về thỏa thuận ngũ cốc, tin vui Trung Quốc-Australia

OPEC lạc quan về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, Nga-Ukraine thêm căng thẳng liên quan thỏa thuận ngũ cốc, Australia 'bật đèn xanh' xuất khẩu đất hiếm sang Trung Quốc, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Giám đốc điều hành tập đoàn Eni nhận định, EU sẽ phải phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ Mỹ trong năm tới để bù đắp cho nguồn cung bị mất từ Nga. (Nguồn: Rappler)

Giám đốc điều hành tập đoàn Eni nhận định, EU sẽ phải phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ Mỹ trong năm tới để bù đắp cho nguồn cung bị mất từ Nga. (Nguồn: Rappler)

Kinh tế thế giới Dự báo mới về nhu cầu dầu mỏ thế giới

Trong báo cáo Viễn cảnh dầu mỏ thế giới năm 2022 công bố ngày 31/10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn, đồng thời cho rằng phải cần đầu tư 12.100 tỷ USD để đáp ứng được nhu cầu này.

Cụ thể, nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự báo được đưa ra vào năm ngoái. OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn (đến năm 2027) thêm 2 triệu thùng/ngày.

Việc điều chỉnh dự báo phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay và năm sau, cũng như sự quan tâm mạnh mẽ vào các vấn đề an ninh năng lượng.

OPEC dự báo đến năm 2030, nhu cầu dầu mỏ trung bình của thế giới là 108,3 triệu thùng/ngày và đến năm 2045 là 109,8 triệu thùng/ngày. Hai con số này đều cao hơn so với dự báo được đưa ra vào năm 2021.

Trong báo cáo, OPEC cho rằng, tình trạng hạn chế nguồn cung sẽ kéo dài trong trung hạn, với sản lượng của tổ chức này trong năm 2027 sẽ thấp hơn mức của năm 2022, trong khi nguồn cung của các nước không thuộc OPEC sẽ tăng lên.

Mặc dù vậy, đơn vị này cũng lạc quan rằng về triển vọng trong dài hạn, cho rằng dầu mỏ vẫn là nhiên liệu hàng đầu trong số những nguồn năng lượng cơ bản trên toàn cầu.

Đánh giá của OPEC trái ngược với nhận định của những nhà dự báo khác, vốn cho rằng nhu cầu dầu mỏ đang bước vào trạng thái ổn định trước năm 2030 do xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, một động thái điều tiết chính sách lãi suất nhằm làm chậm đà tăng lạm phát.

Như vậy, phạm vi lãi suất cơ bản của Fed đã tăng lên khoảng 3,75-4%. Đây là lần tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của Fed và lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng Ba.

Các nhà lãnh đạo Fed đã khẳng định trong nhiều tháng rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát có dấu hiệu giảm xuống mức mục tiêu 2% hằng năm của Fed. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Một quan chức của Cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc vừa cho biết, đầu tư của nước ngoài vào nước này đã tăng đều đặn từ đầu năm đến nay, đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào ngành sản xuất.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này trong 9 tháng của năm nay đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước lên 1 nghìn tỷ NDT (138,52 tỷ USD) sau khi tăng 16,4% từ tháng 1-8/2022. Được biết, Trung Quốc sẽ khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các thiết bị và linh kiện công nghệ cao. (Reuters)

* Theo các số liệu chính thức mới được công bố, Trung Quốc vẫn là nhà đóng tàu hàng đầu thế giới trong 3 quý đầu năm nay, chiếm thị phần quốc tế lớn nhất về sản lượng và các đơn đặt hàng.

Sản lượng đóng tàu của nước này đạt 27,8 triệu tấn trọng tải (dwt) trong 3 quý đầu năm nay, chiếm 45,9% tổng sản lượng của thế giới. Các đơn đặt hàng mới trong ngành đóng tàu của Trung Quốc chiếm 53,6% tổng số lượng đơn đặt hàng toàn cầu, trong khi số đơn đặt hàng hiện nay của nước này chiếm 48% tổng số lượng toàn cầu. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 31/10, ông Descalzi, Giám đốc điều hành của Eni, tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Italy, cảnh báo rằng, châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ Mỹ trong năm tới để bù đắp cho nguồn cung bị mất từ Nga.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, được vận chuyển bằng đường biển, từ ngày 5/12 và các sản phẩm tinh chế vào tháng 2/2023.

Dự báo lượng dầu thô nhập khẩu của EU có thể sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày, ông Descalzi nói: “Đó sẽ là một cú sốc lớn. Và châu Âu chỉ có thể hy vọng vào nguồn cung bổ sung từ Mỹ". (Reuters)

* Hoạt động vận chuyển ngũ cốc Ukraine đã được nối lại từ 12h ngày 2/11 (giờ địa phương) sau khi Nga thông báo sẽ tham gia trở lại thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - một thỏa thuận ngoại giao do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm của Ukraine.

Trong thông báo cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin, cho biết họ đã nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ Kiev về việc không sử dụng hành lang ngũ cốc ở Biển Đen cho các hoạt động quân sự chống lại Nga.

Thông báo trên đã đẩy giá lúa mỳ, đậu tương, ngô và cải dầu giảm mạnh trên thị trường toàn cầu, khi nỗi lo về nguồn cung lương thực giảm bớt.

Trước đó, ngày 29/10, Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine với tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen do một cuộc tấn công vào hạm đội Nga tại Bán đảo Crimea. (AFP)

Một con tàu chờ nhận ngũ cốc tại cảng Odessa của Ukraine. (Nguồn: CNBC)

Một con tàu chờ nhận ngũ cốc tại cảng Odessa của Ukraine. (Nguồn: CNBC)

* Ngày 2/11, Kiev cáo buộc một máy bay chiến đấu của Nga đã phóng 2 tên lửa hành trình bay qua hành lang trên Biển Đen được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ lại ngừng tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nếu Ukraine vi phạm “cam kết an ninh” với Moscow về việc phát động các cuộc tấn công từ những khu vực nằm trong phạm vi của thỏa thuận này.

Trong phát biểu trên truyền hình vài tiếng đồng hồ sau khi Nga thông báo tham gia trở lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, ông Putin nêu rõ nước này bảo lưu quyền rút khỏi thỏa thuận, nhưng trong trường hợp như vậy, Moscow cũng sẽ không ngăn cản những tàu chở ngũ cốc từ Ukraine sang Thổ Nhĩ Kỳ. (AFP, Reuters)

* Ngày 2/11, chính phủ Anh tuyên bố đã trừng phạt 4 ông trùm về thép và hóa dầu của Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine. Hai trong số những người nằm trong danh sách trừng phạt là Alexander Abramov và Alexander Frolov, được London miêu tả là những cộng sự có tiếng của nhà tài phiệt Roman Abramovich - người đã bị trừng phạt trước đó trong năm nay.

Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ, 2 người này bị trừng phạt do tham gia các hoạt động khai thác, vận tải và xây dựng. (Reuters)

* Ngày 2/11, Đức cho biết nước này có kế hoạch áp giới hạn giá năng lượng từ đầu năm 2023, một động thái quan trọng nằm trong kế hoạch ngân sách khổng lồ trị giá 200 tỷ Euro (198 tỷ USD) nhằm giúp giảm bớt áp lực lạm phát cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của chính phủ, động thái can thiệp vào thị trường năng lượng trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đối với ngành công nghiệp, còn đối với các hộ gia đình chậm nhất là ngày 1/3/2023. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Phát biểu với báo giới ngày 1/11, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimuara cho biết đã đề nghị doanh nghiệp nước này tiếp tục tham gia và đảm bảo phần vốn đóng góp tại dự án Sakhalin-1, sau khi chính phủ Nga tuyên bố thành lập công ty mới để tiếp quản dự án này.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản thừa nhận chủ trương tiếp tục tham gia dự án Sakhalin-1 và trong thời gian tới, Tokyo sẽ tiếp tục điều phối với các công ty trong nước và phía Moscow để đảm bảo lợi ích tại công ty mới do Nga thành lập. (TTXVN)

* Số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 31/10 cho thấy, nước này đã chi kỷ lục 6.350 tỷ Yen (43 tỷ USD) để thực hiện các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 10/2022, trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ.

Con số này lớn hơn rất nhiều so với số tiền 2.840 tỷ Yen mà Tokyo đã dùng để mua Yen, bán USD trong lần can thiệp đầu tiên vào ngày 22/9/2022. Bộ Tài chính Nhật Bản không tiết lộ bất kỳ bảng phân tích nào về số tiền được chi tiêu trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến ngày 27/10. (Kyodo)

* Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc Statistics Korea, giá tiêu dùng tại nước này tháng 10 tăng nhanh hơn so với tháng 9, vẫn ở trên mức 5% tháng thứ sáu liên tiếp, khi hóa đơn dịch vụ thiết yếu tăng và kinh tế toàn cầu vẫn có những yếu tố không chắc chắn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hàn Quốc trong tháng 10 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 5,6% trong tháng 9. CPI tăng 6,3% trong tháng Bảy, mức tăng mạnh nhất trong gần 24 năm.

Lạm phát tại Hàn Quốc vượt mức mục tiêu 2% trong trung hạn mà Ngân hàng trung ương nước này (BoK) đề ra tháng thứ 19 liên tiếp tính đến tháng 10/2022. (Yonhap)

Nhật Bản đã chi kỷ lục 6.350 tỷ Yen để thực hiện các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 10/2022. (Nguồn: CNBC)

Nhật Bản đã chi kỷ lục 6.350 tỷ Yen để thực hiện các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 10/2022. (Nguồn: CNBC)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Australia sẽ "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng của Australia sang Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng thương mại giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết và các thách thức địa chính trị liên quan tới lĩnh vực khoáng sản quan trọng tiếp tục gia tăng trên toàn cầu.

Phát biểu với báo giới ngày 2/11, người phát ngôn của Bộ trưởng Tài nguyên Australia Madeleine King cho biết, Bộ trưởng đang xem xét thỏa thuận giữa công ty VHM của Australia và công ty Shenghe của Trung Quốc về việc mua bán 60% sản phẩm đất hiếm tại một khu mỏ ở bang Victoria.

Kế hoạch bán sản phẩm cho Shenghe Trung Quốc được VHM công bố vào ngày 1/11. Cụ thể, VHM cho biết đã ký một biên bản ghi nhớ để bán phần lớn sản phẩm trong tương lai của công ty cho nhà nhập khẩu đất hiếm lớn nhất Trung Quốc. Các sản phẩm này thuộc mỏ đất hiếm tại khu mỏ Goschen gần thị trấn Swan Hill ở bang Victoria. (TTXVN)

* Ngày 30/10, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Anucha Buraphachaisri cho biết, mặc dù đã giảm 5 điểm và tụt xuống vị trí 34 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của năm nay do Viện Quản lý phát triển (IMD) vừa công bố, nhưng Thái Lan vẫn đang chứng kiến sự cải thiện ở nhiều khía cạnh. (TTXVN)

* Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về 3 yếu tố rủi ro chính đối với nền kinh tế Indonesia trong năm 2023 là kinh tế Trung Quốc giảm tốc, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu và xung đột Nga-Ukraine.

Tại cuộc họp báo diễn ra trực tiếp và trực tuyến vừa qua, IMF giải thích rằng, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy thoái sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa xuất khẩu của Indonesia.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Indonesia 0,2 điểm phần trăm xuống mức 5%. Lạm phát ở quốc gia quần đảo này, trong đó có lạm phát lõi, đã cao hơn mức mục tiêu song dự kiến sẽ giảm vào năm tới. (TTXVN)

* Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (ESDM) vừa quyết định gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt cho quốc gia láng giềng Singapore thêm 5 năm sau khi hết hạn vào năm 2023.

Bộ trưởng ESDM Arifin Tasrif nói: “Indonesia vẫn có đủ dự trữ khí đốt, vì vậy sẽ mở rộng xuất khẩu sang Singapore trong 5 năm tới”, đồng thời cho hay, sản lượng xuất khẩu theo hợp đồng gia hạn sẽ thấp hơn trước nhằm ưu tiên nhu cầu trong nước. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-2810-311-cam-dau-nga-eu-gap-cu-soc-lon-ong-putin-noi-nuoc-doi-ve-thoa-thuan-ngu-coc-tin-vui-trung-quoc-australia-204418.html