Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị.
Dự tại điểm cầu Lai Châu có đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, một số sở, ngành liên quan, các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2021 với phương châm thích ứng linh hoạt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khó khăn, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ; nỗ lực vươn lên và đạt kết quả khả quan, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt hoặc vượt kế hoạch.
Giá trị gia tăng toàn ngành năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD. Số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP có trên 5.496 sản phẩm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020...
Năm 2022, ngành đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như: tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố tham gia ý kiến thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đề xuất, kiến nghị Chính phủ về một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá để thực hiện hiệu quả hơn lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong năm 2021, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều đề án về sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển những mặt hàng nông, lâm, thủy sản đặc thù, đặc hữu, dựa trên nguồn lực của tỉnh. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc vào đầu tháng 12/2021.
Hiện tốc độ phát triển nông nghiệp Lai Châu đạt khoảng 5%. Trong đó, tỉnh có những mặt hàng chủ lực như: chè, quế, đặc biệt là mắc ca. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ và thu hút đầu tư vào phát triển một số sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương như: Hoa địa lan, nuôi ong dưới tán rừng, Sâm Lai Châu, Thất diệp nhất chi hoa, đương quy, đỗ trọng... Lai Châu là địa phương có thế mạnh về rừng, toàn tỉnh hiện có 479.538 ha rừng, độ che phủ đạt 51% cao hơn mức trung bình chung cả nước (42%).
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuẩn hóa gắn với chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, tháo gỡ ùn tắc tại cửa khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung: Thủ tướng ban hành Đề án phát triển cây mắc ca, bởi đây là cây lâm nghiệp đa mục đích, rất phù hợp với thổ nhưỡng Lai Châu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển rừng, đặc biệt là kinh tế dưới tán rừng; hỗ trợ tỉnh phát triển các trung tâm giống, các công nghệ, kỹ thuật, quy trình canh tác.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được, đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế và yêu cầu các địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, nông thôn; tập trung sản xuất các sản phẩm chính ngạch; kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp phân quyền; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân...