Kinh tế tuần hoàn: Có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD

Nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng hàng năm từ 10-20% cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp tái chế. Nếu hình thành được chuỗi kinh tế tuần hoàn (tái chế, sử dụng, tái sản xuất) có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2025.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển hiệu quả, yếu tố quan trọng đầu tiên là tạo ra và vận hành một cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường, cho xã hội và trừng phạt nghiêm khắc những hành động gây hại.

Sản xuất sạch và tái chế

Lâu nay, rác thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công, tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và chiếm dụng nhiều diện tích cho việc xây dựng bãi chôn lấp mà hiệu quả lại không cao. Chưa kể, những chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… bị chôn vùi trong đất mà hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy, hoặc nếu đem đốt lại thải khói độc ra môi trường.

Ngay như ở nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội), một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam, rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được, tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam khoảng 17 triệu tấn một năm, trong đó vùng đô thị phát sinh đến 6,5 triệu tấn một năm._

Trong khi đó, nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng hàng năm từ 10-20%, cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp tái chế.

Song, có một thực tế, hoạt động tái chế chủ yếu của Việt Nam gần như không có sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đại đa số các thiết bị, máy móc và hóa chất đều là tự chế tạo (không phải hàng loạt), hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, không hoặc rất khó kiểm soát, dẫn đến sự phụ thuộc nước ngoài.

Theo PGs.Ts. Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng KHCN, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp tái chế (chính quy/phi chính quy) ở Việt Nam chưa thực sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp, đặc biệt là trong các vấn đề giám sát sản xuất, giám sát hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Ngược lại, các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn với các cơ quan quản lý do sự nhạy cảm của ngành nghề.

Nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng hàng năm từ 10-20%

Thực tế trên cũng đặt ra yêu cầu hướng tới hoạt động sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên. “Một nền kinh tế tuần hoàn mà ở đó, mọi hoạt động sản xuất được thực hiện theo một chu trình khép kín, không chỉ nhằm giảm thiểu mọi tác động tiêu cực tới môi trường, mà còn bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người đang là mục tiêu hướng tới của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hải nói.

Thị trường mua bán nguyên liệu phế thải

Tại hội thảo, các chuyên gia về môi trường nhấn mạnh, việc bảo tồn và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng và tái sử dụng các nguồn lực, cũng như giảm lượng chất thải mà đáng ra cần phải được xử lý thông qua việc chôn lấp. Nhận định tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn, lãnh đạo VCCI cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc mua bán những chất liệu trên thị trường để triển khai nền kinh tế tuần hoàn, VCCI sẽ thành lập một thị trường mua bán nguyên vật liệu phế thải.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI – cho biết khi có thị trường mua bán nguyên vật liệu phế thải, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chu trình khép kín.

Ông Vinh lấy dẫn chứng: “Một công ty có nhu cầu về nhựa có thể mua những sản phẩm nhựa sau khi sử dụng của các DN khác để chế biến từ những hộp nhựa thành dầu để sử dụng. Hoặc một doanh nghiệp sản xuất điện có thể sử dụng những sản phẩm tái chế những chất thải trong quá trình sản xuất điện để tạo ra một nguồn nguyên vật liệu mới trong ngành xây dựng, qua đó, DN có thể tiếp cận những bạn hàng và thị trường mới”. Ông Vinh cũng lưu ý rằng nhiều DN hiện nay đang thiếu cả nhận thức lẫn nguồn lực. Vì vậy, để tiếp cận với những lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn, DN phải sẵn sàng đầu tư vào hai yếu tố này.

Bên cạnh đó, cần có những chế tài và hình thức để động viên cho những DN đầu đàn triển khai mô hình kinh doanh liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là quá trình tiếp cận vốn và đất đai, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành môi trường cũng cho rằng đây sẽ là những khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình chuyển đổi, bởi lẽ 95% trong tổng số hơn 500.000 DN Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, thường là thiếu vốn, hạn chế về nguồn nhân lực cũng như chậm chạp trong quá trình đổi mới để thích ứng với yêu cầu phát triển.

Đại diện Tổng cục Môi trường chia sẻ, các DN cần có sự chủ động đổi mới phương thức sản xuất-kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau, cũng như tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đó là cách thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng năng suất lao động của các đơn vị.

Xây dựng và đẩy mạnh được nền kinh tế tuần hoàn không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận, mà còn phải có những cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho xã hội, cũng như các chế tài xử phạt những hành vi vi phạm hay gây hại cho môi trường và cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

-------------------------------

Tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn chính là cách tham gia và để thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp, cũng như củng cố hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Ông Sasama Tomoyuki, Tổng Giám đốc công ty Dow tại Việt Nam

-------------------------------

Việc bảo tồn và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng và tái sử dụng các nguồn lực, cũng như giảm lượng chất thải mà đáng ra cần phải được xử lý thông qua việc chôn lấp.

Ông Sebastian Egerton-Read, Điều phối viên Quỹ Ellen MacArthur-------------------------------

Có bốn trụ cột nền tảng trong nền kinh tế tuần hoàn mà các doanh nghiệp cần phải xác định trước khi triển khai thực hiện. Đó là thiết kế và sản xuất tuần hoàn; các mô hình kinh doanh mới; xác định chu kỳ ngược và đánh giá được tác nhân hỗ trợ, cũng như các điều kiện hệ thống thuận lợi để triển khai chu trình khép kín này.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kinh-te-tuan-hoan-co-the-tao-ra-hon-1000-ty-usd-1013589.html