Kinh tế Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng

Đây là đánh giá của ĐBQH về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Đánh thức các tiềm năng, thế mạnh

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) đánh giá, trong một thế giới nhiều bất ổn, lạm phát thế giới tăng cao trong 3 năm 2022-2024 bình quân 6%; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chỉ khoảng 3,2%, Việt Nam chúng ta nổi lên nhiều điểm sáng, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và hiện nay đứng thứ 17 trên 194 quốc gia.

Chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, kinh tế xã hội và kiểm soát tốt chỉ số lạm phát trong suốt 10 năm qua, bình quân ở mức 3%. Nợ công trên GDP kéo giảm, để vẫn có dư địa đầu tư các dự án quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm đạt 7%, nỗ lực hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2024.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các giải pháp kinh tế vĩ mô trong năm 2025, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra. Đại biểu cũng đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra.

Góp ý thêm một số nội dung trong các nhóm giải pháp, đại biểu đề nghị có chính sách để làm tăng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu ở nước ta; có giải pháp tổng thể về thể chế, hạ tầng để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch Covid. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên họp

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế, tạo động lực mới, nhất là thể chế cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao để tăng tốc phát triển.

Cần quan tâm đánh thức tiềm năng và thế mạnh nước ta, đó là nông nghiệp, kinh tế du lịch, văn hóa. Theo đại biểu, đó là 3 động lực kinh tế nội sinh để phát triển bền vững của kinh tế xã hội Việt Nam.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2024. Đại biểu khẳng định, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra trong báo cáo, trong đó đại biểu kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết căn cơ xử lý ngăn chặn các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay, đại biểu nhận thấy, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay, trong đó có khá nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ngoài những quy định cấm hút thuốc lá Chính phủ đã ban hành, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội đi cùng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/kinh-te-viet-nam-noi-len-nhieu-diem-sang_169495.html