Kinh tế Việt Nam quý IV: Lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng ổn định

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á.

Hai tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu là Standard Chartered và HSBC đã đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV/2024, với các yếu tố như lạm phát hạ nhiệt và xuất khẩu tăng trưởng đóng vai trò quan trọng.

Theo báo cáo mới nhất từ Standard Chartered, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV/2024 sẽ tiếp tục duy trì ở mức vừa phải. Báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý III đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 6,9% của quý II. Sự suy giảm này được lý giải do tăng trưởng tín dụng chậm lại và nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa phục hồi hoàn toàn. Mặc dù vậy, các lĩnh vực như xuất khẩu điện tử, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng vẫn có những bước tiến khả quan.

Việt Nam duy trì vị thế là điểm sáng trong khu vực châu Á

Việt Nam duy trì vị thế là điểm sáng trong khu vực châu Á

Trong tháng 9, tăng trưởng doanh số bán lẻ dự kiến đạt 5,2% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu được dự báo tăng 6,2%, với sự cải thiện rõ rệt từ ngành xuất khẩu điện tử. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có thể tăng trưởng lần lượt 4,0% và 4,2% so với cùng kỳ.

Một điểm đáng chú ý khác trong dự báo của Standard Chartered là sự giảm sút của thặng dư thương mại. Dự kiến, thặng dư thương mại hằng tháng sẽ giảm từ 4,5 tỷ USD xuống còn 2,5 tỷ USD. Đây là dấu hiệu của sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng và sự cân bằng giữa xuất nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn ổn định.

Lạm phát trong tháng 9/2024 được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,7%, thấp hơn so với mức 3,5% của tháng 8. Đây là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát dưới mức 4%, phản ánh xu hướng tích cực của giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản như giáo dục, nhà ở, thực phẩm và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Standard Chartered cảnh báo rằng, lạm phát vẫn có thể tăng trở lại do áp lực từ giá cả trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và dịch vụ vận chuyển.

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ năm trước, khi chỉ đạt 7,4% tính đến giữa tháng 9/2024. Con số này thấp hơn mức trung bình 9,0% của giai đoạn 2013-2023. Trong bối cảnh lạm phát đang giảm dần và giá trị đồng Việt Nam đang tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh lãi suất trong quý IV”.

Ngoài ra, sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được xem là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn FDI giải ngân đã tăng 8,0%, trong khi FDI cam kết tăng 7,0%, với lĩnh vực sản xuất và bất động sản dẫn đầu.

Ngân hàng HSBC cũng đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,5% cho cả năm 2024, nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Ông Tim Evans - Giám đốc Điều hành HSBC Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc khôi phục sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Sự phục hồi này, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tài khóa từ chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế môi trường, sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục phát triển trong thời gian tới”.

Theo ông Evans, một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam là dòng vốn FDI mạnh mẽ. Vốn FDI giải ngân và cam kết đều tăng trưởng ổn định, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, bất động sản và công nghệ cao. Ông Evans cũng nhấn mạnh rằng sự cải thiện trong môi trường đầu tư, cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế.

“Việt Nam cần tiếp tục chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực sản xuất để duy trì sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các chính sách khuyến khích đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng dài hạn”, ông Evans nhận định.

Cả hai ngân hàng Standard Chartered và HSBC đều cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là điểm sáng trong khu vực châu Á nhờ vào các chính sách tiền tệ linh hoạt và biện pháp tài khóa mạnh mẽ từ chính phủ. Bất chấp những thách thức về lạm phát và tăng trưởng tín dụng, triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất khả quan, với dự báo tăng trưởng GDP ổn định trong quý IV và khả năng bứt phá trong năm 2025.

Sự ổn định kinh tế trong quý IV sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các cải cách, thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Hồng Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-viet-nam-quy-iv-lam-phat-ha-nhiet-tang-truong-on-dinh-313787.html