KTS Ngô Viết Nam Sơn: 'Chặt hết cây ở bến Bạch Đằng là khá cực đoan'

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết ở các đô thị lớn, công viên phải đảm bảo nằm trong bán kính 15 phút đi bộ và công viên dù là cảnh quan cũng cần bóng mát.

Điểm đến công cộng được quan tâm nhất tháng qua của người dân TP.HCM có lẽ là công viên bến Bạch Đằng. "Đẹp nhưng nắng" là nhận xét thường gặp của người dân khi đến đây.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là một trong những người cảm thấy công viên mới quá thiếu vắng bóng cây.

"Riêng tôi cũng không tán đồng lắm việc chặt hết toàn bộ cây xanh tại bến Bạch Đằng và gọi nó là công viên cảnh quan", ông nói với Zing. "Cảnh quan gì thì vẫn cần bóng mát, nhất là đối với các khu vực xứ nóng như TP.HCM".

Cũng theo ông, việc xây dựng các công viên mới ở thành phố cần chú ý đến khoảng cách di chuyển của người dân, vì "theo chuẩn quốc tế, dù bạn sống ở nơi nào trong thành phố, bạn đều có thể đi bộ tầm 15 phút thì sẽ tìm thấy công viên hoặc một không gian xanh".

"Công viên cảnh quan vẫn cần bóng mát"

- Thưa ông, công viên trong đô thị lớn như TP.HCM cần phải đáp ứng được những chức năng gì? Và các công viên cũ hiện có đảm bảo được điều này?

Công viên trong đô thị lớn có khá nhiều chức năng, đầu tiên là cải thiện khí hậu và tăng chất lượng không khí. Khi có nhiều cây xanh, khí CO2 do hiệu ứng nhà kính được giảm bớt, tạo bầu không khí sạch và lành mạnh cho không gian đô thị vốn đã quá ô nhiễm do khói bụi.

Bên cạnh đó, công viên cũng đóng vai trò lớn trong việc chống ngập, tạo được không gian để thoát nước, giảm ngập. Tạo cảnh quan, cân bằng sinh thái, làm đẹp cho đô thị cũng là một chức năng đáng kể của các công viên. Nhiều đô thị lớn như Singapore, New York hay London, Paris, các công viên tại đây còn được xem là một điểm đến hút khách du lịch.

Cuối cùng và cũng rất quan trọng trong đời sống đô thị, công viên chính là không gian công cộng, phục vụ cho cư dân tại một cộng đồng.

Các công viên tại TP.HCM thì chỉ đáp ứng được phần nào các chức năng cho một bộ phận dân cư thôi vì số lượng quá ít nhưng diện tích thành phố lớn và có dân số đông.

 Có diện tích rộng, tầm nhìn đẹp nhưng công viên bến Bạch Đằng lại "thiếu vắng" cây xanh. Ảnh: Duy Hiệu.

Có diện tích rộng, tầm nhìn đẹp nhưng công viên bến Bạch Đằng lại "thiếu vắng" cây xanh. Ảnh: Duy Hiệu.

- Những tiêu chuẩn nào cần đáp ứng khi xây dựng công viên tại một đô thị lớn và các công viên ở TP.HCM đã đáp ứng được những tiêu chí nào?

Tiêu chuẩn đầu tiên là tỷ lệ diện tích cây xanh trên bình quân đầu người của thành phố. Theo tiêu chuẩn quốc tế đặt ra thì tại mỗi đô thị lớn, tỷ lệ tối thiểu rơi vào khoảng 10 m2/người. Thậm chí ở những đô thị xếp loại “xanh” thì tỷ lệ này lên đến 30-40 m2/người.

Tuy nhiên, hiện ở TP.HCM thì tỷ lệ này chỉ ở mức 0,55 m2/người (số liệu tháng 2/2021 của UBND TP.HCM - PV). Nghĩa là mỗi người có chưa đến 1 m2 ở công viên. Thế nên, nói về tiêu chuẩn diện tích thì TP.HCM có quá ít diện tích đất cây xanh.

Một tiêu chuẩn nữa cũng được đặc biệt chú trọng khi xây dựng công viên là về khoảng cách. Theo chuẩn quốc tế, dù bạn sống ở nơi nào trong thành phố, bạn đều có thể đi bộ tầm 15 phút thì sẽ tìm thấy công viên hoặc một không gian xanh.

- Thưa ông, vậy tỷ lệ bao phủ hoặc số lượng của cây xanh trong công viên có là một tiêu chuẩn cần được đảm bảo không ạ? Như với công viên bến Bạch Đằng, một công viên mới xây nhưng rất nhiều luồng ý kiến cho rằng công viên quá nắng vì thiếu cây xanh và người dân không thể đến đây vào buổi trưa.

Tỷ lệ cây xanh trong công viên cũng phải được tính đến, bởi thông thường một công viên tiêu chuẩn thì diện tích bê tông hóa chỉ chiếm 5-10%. Phần còn lại sẽ được phân bố cây cảnh, thảm cỏ, vườn hoa, diện tích mặt nước…

Công viên bến Bạch Đằng như một đường băng.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Riêng với công viên bến Bạch Đằng thì gọi là công viên nhưng thực chất để xét thì nó không hẳn là công viên. Tuy nhiên, riêng tôi cũng không tán đồng lắm việc chặt hết toàn bộ cây xanh tại bến Bạch Đằng và gọi nó là công viên cảnh quan.

Cảnh quan gì thì vẫn cần bóng mát, nhất là đối với các khu vực xứ nóng như TP.HCM. Và nếu trồng cây, có thể xem xét trồng từng cụm, vì công viên rộng đến vài nghìn m2 mà không có cây xanh bóng mát thì cách làm này với tôi có phần khá cực đoan.

Giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ trước kia khi chưa được trồng thêm cây cối thì nó giống hệt một đường băng sân bay, chỉ có bê tông. Công viên bến Bạch Đằng đang ở tình trạng tương tự.

Việc cư dân ở một thành phố hay đô thị lớn có một công viên như ở bến Bạch Đằng thì thường sẽ thích và có xu hướng ra công viên ăn trưa, ngắm sông. Không ai từ chối nơi có bóng mát và quan cảnh đẹp cả nhưng vì không có cây cối che nắng vào giờ trưa nên họ không thể đến.

Quan điểm của tôi thì việc xây công viên bến Bạch Đằng không có bóng mát là sai lầm.

"Tập trung tăng diện tích mảng xanh ở đô thị"

- Việc quy hoạch và khai thác công viên ở TP.HCM nên được thực hiện như thế nào thì hợp lý?

Khi xây công viên cần lưu ý phải phân bổ đều, tránh để trường hợp các có khu vực quá nhiều công viên mà có nơi lại rất thiếu, rất ít. Công viên phải được rải đều trong thành phố, ở các quận huyện để đáp ứng được câu chuyện trong bán kính 15 phút đi bộ, cư dân sẽ tìm được một công viên bất kỳ.

Hiện TP.HCM ít công viên là do quản lý đô thị còn khá lỏng lẻo. Diện tích bê tông tối đa hóa làm giảm diện tích đất công viên thế nên khi quy hoạch cần phải hạn chế trường hợp lấy đất công viên chuyển đổi thành trung tâm thương mại, bãi xe...

Mặt khác, để tăng diện tích công viên thì các dự án, xây dựng hay chỉnh trang thì phải đảm bảo có công viên, khuôn viên xanh. Trước mắt là các dự án tại khu Ba Son, Cảng Sài Gòn… phải tăng diện tích công viên để bù cho diện tích bê tông hóa.

 Công viên và mảng xanh cần thiết cho đời sống của dân cư tại đô thị lớn. Ảnh: Lê Quân.

Công viên và mảng xanh cần thiết cho đời sống của dân cư tại đô thị lớn. Ảnh: Lê Quân.

- Việc quy hoạch công viên tại các đô thị lớn tại nước ngoài như New York, Tokyo, Singapore… có những gì mà các công viên tại TP.HCM chưa thể so sánh hay cần phải lưu ý và học hỏi thêm?

Các đô thị lớn như New York, London, Paris hay gần hơn là Seoul, Singapore đều có sự phân bố mảng xanh khá đồng đều. Việc phát triển, quy hoạch và xây mới các công trình đều ưu tiên đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh trên bình quân đầu người ở mức cân bằng.

Nếu để so sánh thì tỷ lệ này ở TP.HCM rất thấp, thậm chí là chưa đến 1 m2/người. Thế nên việc chú trọng quy định khi xây mới các công trình hay khi quy hoạch cần phải tập trung tăng diện tích mảng xanh, có thể là nhiều hơn bình thường để phần nào bù lại những diện tích xanh đã bị mất.

Công viên đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ở đô thị hiện đại, việc có những mảng xanh, khu công viên cây xanh để đi dạo, thư giãn hay thậm chí màu xanh của cây cỏ cũng phần nào giúp con người thường giảm được căng thẳng.

Cây xanh còn giảm bớt những ô nhiễm không khí trong quá trình sinh hoạt tại các thành phố lớn. Thế nên việc phát triển công viên, phát triển mảng xanh trong thành phố là việc tôi nghĩ là cấp bách và quan trọng.

Tỷ lệ che phủ cây xanh tại TP.HCM hiện là 26,3%, nhưng tỷ lệ ở nội thành chị chiếm 3,9%. Nghĩa là hầu hết cây xanh của thành phố tập trung ở 5 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè. Trong khi đó, khu vực trung tâm, đông dân thì lại có ít cây xanh.

Hiện, tỷ lệ diện tích diện tích cây xanh trên bình quân đầu người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25 m2/người. Trong đó, nhiều quốc gia đạt tỷ lệ cao như Singapore 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Moscow (Nga) là 44 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Thịnh Vũ (Thực hiện)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kts-ngo-viet-nam-son-chat-het-cay-o-ben-bach-dang-la-kha-cuc-doan-post1297520.html