Kỳ 1: Mệnh lệnh từ trái tim

Ít người biết rằng, trong cuộc chiến chống dịch SARS gần 20 năm trước, cùng với đội ngũ y bác sĩ BV Việt Pháp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương còn có một đội ngũ bác sĩ khác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) cũng tham gia. Thật tự hào, nhờ họ Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới chỉ mặt vạch tên chính xác virus SARS. Rất khó khăn chúng tôi mới tìm ra những chiến sĩ thầm lặng ấy.

Kí ức không dễ quên

17 năm trước, vào một ngày đầu tháng 3-2003, y tá Nguyễn Thị Mến, công tác tại BV Việt Pháp bị nhiễm virus SARS. Lúc đó, chị không có khái niệm về căn bệnh toàn cầu này. Một thời gian ngắn sau một loạt bệnh nhân nhập viện Việt Pháp vì căn bệnh kì lạ nhưng hết sức nguy hiểm.

Nguồn lây bệnh bắt đầu từ một người Mỹ gốc Hoa tên Johnny Cheng. Ông này nhập viện Việt Pháp vào ngày 26-2, với các triệu chứng giống cúm nhưng diễn tiến rất lạ, sốt, ho nhiều và khó thở sau khi nhập cảnh được 3 ngày. Ở thời điểm đó, các y bác sĩ đã để ý thấy ông Cheng ho quá nhiều, có lúc ho liên tục trong 40 phút. Họ chẩn đoán rằng ông đã nhiễm cúm gà Hong Kong - và các nhân viên y tế không dùng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào.

Ngày 12-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức ra báo động toàn cầu về đại dịch SARS. Chỉ trong một thời gian ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Việt Nam cũng là nước hứng chịu dịch bệnh với 65 người bị nhiễm, 5 người tử vong. Chỉ riêng BV Việt Pháp, dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết. Ngoài ra, có 2 người liên quan cũng tử vong là bệnh nhân Johnny Cheng và bác sĩ Carlo Ubani. BV Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm.

Lúc này, đa số người dân đều nghĩ rằng, chiến tuyến đương đầu với giặc SARS chính là ở hai BV: Việt Pháp và BV nhiệt đới Trung ương chứ ít ai nghĩ rằng một mặt trận nữa cũng đang diễn ra ngay trong lòng Hà Nội. Ở đó các ý bác sĩ cũng phải đương đầu với tử thần SARS, thậm chí sự nguy hiểm còn hơn gấp cả trăm lần. Đó chính là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Thường.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Thường.

Mệnh lệnh từ trái tim

Thời gian này, NIHE nhận được mẫu bệnh phẩm để làm SARS tại phòng thí nghiệm virus hô hấp, nằm ở đầu tầng 1, tòa nhà 3 tầng chính. Trừ Viện trưởng và những người liên quan, rất ít y bác sĩ đang làm việc tại đây biết được sứ mệnh đặc biệt của phòng thí nghiệm này. Với nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thường cũng vậy, công việc hàng ngày của chị là gắn bó với phòng thí nghiệm virus sởi, chịu trách nhiệm về chẩn đoán và nghiên cứu sởi và rubella.

Một buổi chiều tháng 3, trong căn phòng nhỏ, GS.TS. Hoàng Thủy Nguyên, chuyên gia đầu ngành về virus học đi lại nhiều lần, ánh mắt đăm chiêu, ông đang tìm thứ ngôn ngữ diễn đạt tốt nhất nhằm giảm tải được nỗi lo lắng cho người đối diện. Bởi ít phút nữa, cô bác sĩ Nguyễn Thị Thường ông cho gọi sẽ có mặt ở đây. Từng đảm nhận chức Viện trưởng, sau khi về hưu ông vẫn toàn tâm gắn bó với viện, với phòng thí nghiệm.

Sau tiếng chào khe khẽ, nữ bác sĩ ông cần đã có mặt. Cố ra vẻ bình tĩnh, ông nhẹ nhàng:
- Cô ngồi đi.
- Dạ vâng ạ. Cháu cảm ơn bác ạ!
- Cô Thường này, hôm nay tôi gọi cô lên đây có việc, tình hình dịch SARS thì cô biết rồi đấy mà SARS thì cả thế giới người ta làm rồi nhưng bây giờ mình có dịch thì mình phải làm thôi. Tôi muốn cô vào phòng thí nghiệm phân lập virus SARS. Tôi đã điểm mặt từng người khoa virus rồi, tôi nghĩ cô làm thì sẽ không chết đâu và dịch sẽ không bị lây ra ngoài cộng đồng đâu.
Thấy nữ bác sĩ im lặng, nét mặt phân vân, ông nói tiếp:
- Tình hình sức khỏe của tôi không cho phép nên tôi không vào phòng thí nghiệm được, chứ tôi không sợ SARS đâu.
- Cháu hiểu ạ.
- Tôi không ép cô đâu, tôi cho cô vài ngày suy nghĩ, cô cứ nghĩ kỹ đi rồi cho tôi biết.

Thực ra lúc đó, mệnh lệnh từ trái tim không cho phép nữ bác sĩ từ chối lời đề nghị của bậc tiền bối. 30 tuổi đời, chỉ trong nay mai chị sẽ trực tiếp làm việc với những bệnh phẩm liên quan đến SARS, thoáng một chút lơ là sẽ phải trả giá bằng tính mạng.

Vậy công việc lúc này chị và các đồng nghiệp sẽ phải làm là gì? Thay vì nghe kết quả chẩn đoán lâm sàng về SARS từ các BV, đội ngũ giáo sư và bác sĩ của Viện phải có câu trả lời cụ thể rằng bệnh phẩm lấy từ cơ thể người nhiễm bệnh có chắc chắn là SARS hay không. Từ đó ta mới có hướng điều trị rõ ràng hoặc sản xuất ra vắc-xin, những bộ kit phục vụ điều trị bệnh.

Về nhà, điều đầu tiên chị Thường làm là giấu người thân về công việc sắp tới của mình. Tiếp đó, nói với anh trai và chị gái đã lập gia đình, quãng thời gian này đừng về nhà nơi chị và mẹ sống. Cho đến giờ, sau 17 năm, hàng xóm xung quanh vẫn không hề biết về chị với câu chuyện gắn liền với SARS.
Trở lại Viện, gặp GS.TS. Hoàng Thủy Nguyên, nữ bác sĩ Thường chính thức nhận lời. Cùng đồng hành trực tiếp tại phòng thí nghiệm với chị còn có PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền Thanh, Trưởng Phòng virus đường ruột.

Ảnh chụp CPE trên kính hiển vi lộn ngược.

Ảnh chụp CPE trên kính hiển vi lộn ngược.

Thời đó, NIHE chưa có phòng thí nghiệm P3 nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ bác sĩ làm việc và tránh lây lan virus ra ngoài. Trong khi đó, SARS rất nguy hiểm, chưa có vắc-xin. Một khó khăn khác, cả thế giới lúc này chỉ có nước Mỹ là phân lập virus SARS trên tế bào Vero E6 (tức là tế bào thận khỉ thường trực, dòng E6). Đây là dòng tế bào duy nhất phân lập được SARS. Hồng Kông cũng từng tuyên bố mình nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS nhưng sau đó đính chính lại vì nhầm lẫn.

NIHE hồi đó không có dòng tế bào Vero E6. Phương pháp tìm SARS được nhóm áp dụng là lấy dòng tế bào Vero thường (không phải E6) để phân lập. Đây là dòng tế bào được bác sĩ Thường mang về Việt Nam từ phòng thí nghiệm virus sởi của CDC Mỹ.

Ngày vào cuộc đầu tiên của nhóm là thứ hai, ngày 7-4-2003, bệnh phẩm đầu tiên nhóm tiến hành làm được mang về từ một bệnh nhân quê Ninh Bình. Bằng cách áp dụng dòng tế bào Vero thường, sau 24g bác sĩ Thường không khỏi ngỡ ngàng khi kết quả cho thấy đã phân lập được virus SARS. Nhưng PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền vẫn yêu cầu theo dõi thêm cho chắc chắn. 80g nữa trôi qua, kết quả đúng như mong đợi khiến các chuyên gia y tế của Mỹ cũng phải ngạc nhiên. Ít lâu sau, Việt Nam chính thức công bố đã phân lập được virus SARS. Thông tin này chính thức đưa Việt Nam thành nước thứ hai trên thế giới cùng với Mỹ phân lập được virus SARS.

Ngày 28-4-2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch.

(Còn nữa)

Sáng 25-2-2020, tại cuộc họp trực tuyến về công tác chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các đại biểu tại hội trường Bộ Y tế và hơn 700 điểm cầu trực tuyến đứng lên dành 1 phút tri ân nhân viên y tế hy sinh và những người đã mất trong vụ dịch SARS 2003. “Nhân ngày 27-2, chúng ta cùng nhau tri ân các thế hệ thầy thuốc hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Trong đó có cả các y bác sĩ hy sinh trong đại dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta những tấm gương và bài học quý báu ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, nhờ sự cố gắng của toàn bộ các ban ngành, nên đến nay, Việt Nam kiểm soát tốt được dịch bệnh. Cả nước hiện 16 người nhiễm Covid-19 được chữa khỏi hoàn toàn.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-1-menh-lenh-tu-trai-tim-181426.html