Kỳ 2: Chương trình khám phá Mặt trăng của Liên bang Nga
Sau khi Liên Xô tự tuyên bố giải thể, Liên bang Nga được kế thừa vị thế của quốc gia từng đi đầu trong công cuộc chinh phục và khám phá vũ trụ, cũng là quốc gia đầu tiên đưa trạm thăm dò tự động Lunakhod lên Mặt trăng. Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng toàn diện từ sự sụp đổ Liên Xô, Nga bắt đầu thực hiện Chương trình tiếp tục khám phá Mặt trăng và nghiên cứu vũ trụ nói chung.
Ngày 21/9/2021, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexander Sergeev cho biết trong một cuộc họp báo, hiện nay ưu tiên của Nga trong việc nghiên cứu không gian vũ trụ là quay trở lại khám phá Mặt trăng.
Theo ông A. Sergeev, không thể tiếp tục nghiên cứu không gian vũ trụ nếu chưa khám phá Mặt trăng. Ngoài ra, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga tin rằng hợp tác quốc tế là cần thiết trong việc nghiên cứu vũ trụ và khám phá Mặt trăng, vì đây là lĩnh vực cần các khoản đầu từ rất lớn và tiềm năng trí tuệ của giới khoa học trên toàn thế giới.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Theo ông A. Sergeev, nếu loài người muốn tiếp tục nghiên cứu và khai thác khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình, trước hết phải nghiên cứu toàn diện về Mặt trăng. Do đó, Chương trình khám phá Mặt trăng của Nga đặt ra chí ít 6 nhiệm vụ.
Một là, nghiên cứu Mặt trăng như là một thiên thể (nghiên cứu cấu trúc bên trong, các biến dạng địa hình trên bề mặt Mặt trăng, thành phần hóa học của bề mặt Mặt trăng,... để trên cơ sở đó làm rõ nguồn gốc của Mặt trăng).
Hai là, nghiên cứu tính chất của 2 vùng cực của Mặt trăng (tìm kiếm các mỏ nước, nghiên cứu các khu vực bị che khuất vĩnh viễn, tìm kiếm dấu tích các chất hữu cơ, phân tích đồng vị phóng xạ vốn là chỉ dấu về nguồn gốc và quá trình tiến hóa của hệ Mặt trời).
Ba là, nghiên cứu Mặt trăng như một địa điểm độc nhất vô nhị để tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học về vũ trụ (bố trí các đài thiên văn học, trạm quan sát Trái đất và Mặt trời trên Mặt trăng, nghiên cứu bức xạ vũ trụ).
Bốn là, nghiên cứu các điều kiện vật lý trên bề mặt và sâu trong lòng Mặt trăng (tính chất của bụi trên Mặt trăng, bụi plasma, sự tương tác của Mặt trăng với Mặt trời, bức xạ sơ cấp và thứ cấp trên Mặt trăng, khả năng bảo vệ chống bức xạ vũ trụ, từ trường cục bộ trên Mặt trăng).
Năm là, nghiên cứu Mặt trăng như là đối tượng để khai phá (phát hiện các chất và khoáng chất dễ bay hơi trên Mặt trăng, khả năng khai thác và sử dụng đất Mặt trăng, xác định các vị trí có thể bố trí căn cứ thường trực trên Mặt trăng).
Sáu là, nghiên cứu Mặt trăng làm bệ phóng để tiến hành các công trình khám phá không gian vũ trụ, trước hết là khám phá hệ Mặt trời (tiến hành thí nghiệm về robot, sử dụng vật liệu trên Mặt trăng để chế tạo kết cấu các tàu vũ trụ và tổng hợp nhiên liệu cho tàu vũ trụ).
Các giai đoạn thực thi
Chiến lược thăm dò và khai phá Mặt trăng của Nga đến năm 2040 được công bố vào ngày 28/11/2018 bao gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2021-2025): thử nghiệm tất cả các công nghệ trên trạm vũ trụ quốc tế ISS; thiết kế các mô-đun cơ bản trong kết cấu của trạm thăm dò Mặt trăng; thử nghiệm tàu vũ trụ có người trong tương lai Oryol; tiến hành chuyến bay không có người lái lên Mặt trăng Orol và thám hiểm Mặt trăng bằng các trạm thăm dò tự động thuộc thế hệ trạm tự động Luna của Liên Xô trước đây, gồm Luna-25, Luna-26, Luna-27 và Luna-28 để giải quyết các vấn đề khoa học, trinh sát địa hình trên Mặt trăng và chuẩn bị cho các bước tiếp theo; xây dựng trạm quỹ đạo bay quanh Mặt trăng từ các thành phần của Nga trong ISSl; chế tạo trạm tự động cất và hạ cánh trên Mặt trăng.
Giai đoạn 2 (2025-2035): phát triển các phương tiện tiếp cận bề mặt Mặt trăng, bao gồm các chuyến bay có người lái bay vòng quanh Mặt trăng vào năm 2026 và hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng để triển khai những thành phần đầu tiên cấu thành căn cứ có người ở trên Mặt trăng. Đến năm 2030 sẽ triển khai vệ tinh truyền thông trên quỹ đạo Mặt trăng.
Giai đoạn 3 (sau năm 2035): hoàn thành việc xây dựng căn cứ có người ở thường trực trên Mặt trăng; xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học trên Mặt trăng bao gồm 2 đài quan sát thiên văn (1 đài thiên văn vô tuyến và 1 đài quan sát tia vũ trụ); xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, khai thác nước đóng băng để tạo ra nhiên liệu oxy-hydro; xây dựng các trạm trú ẩn tránh bức xạ; thiết lập hệ thống liên kết các phương tiện thám hiểm Mặt trăng có người lái và tự động.
Từ năm 2036 đến năm 2040: triển khai các trạm định vị trên quỹ đạo Mặt trăng để định hướng chuyển động cho các phương tiện hoạt động trên bề mặt Mặt trăng, bao gồm các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất chuyển phát tín hiệu dẫn đường từ Trái đất; thiết lập mạng lưới các khí tài vũ trụ trên quỹ đạo Mặt trăng.
Kế hoạch triển khai
Năm 2014: trong tháng 5/2014 Viện Hàn lâm khoa học Nga, các doanh nghiệp của Tập đoàn Roscosmos và Đại học Quốc gia Moscow hoàn thành xây dựng Chương trình khám phá Mặt trăng. Mục tiêu của Chương trình là thiết lập căn cứ cho người ở và hoạt động trên Mặt trăng vào giữa thế kỷ XXI. Chương trình dự kiến sẽ hoàn thành các chuyến bay thám hiểm đầu tiên đưa các phi công vũ trụ đổ bộ xuống Mặt trăng để thiết lập căn cứ lâu dài trên đó vào năm 2030.
Giai đoạn đầu tiên của Chương trình khám phá Mặt trăng trong những năm 2016 - 2025 bao gồm phóng các trạm thăm dò tự động Luna-25, Luna-26, Luna-27 và Luna-28 tới Mặt trăng.
Năm 2015: công bố chương trình hợp tác với Trung Quốc với tư cách là đối tác chính trong dự án xây dựng trạm khoa học trên Mặt trăng và Trạm quỹ đạo quốc gia của Nga.
Năm 2017: lập kế hoạch hoàn thành chế tạo tàu vũ trụ Liên hợp (Soyuz) bay quanh Mặt trăng vào năm 2021 hoặc 2022.
Năm 2018: hoàn tất quá trình xây dựng căn cứ khoa học và kỹ thuật để thực hiện các chuyến bay có người lái lên Mặt trăng bằng tàu vũ trụ Liên hợp. Xác định trong 6 - 7 năm tới, Nga sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái lên Mặt trăng bằng tên lửa đẩy Angara-A5 từ Sân bay vũ trụ Vostochny. Ngày 28-11-2018, công bố Chiến lược thăm dò và khai phá Mặt trăng bao gồm 3 giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2040.
Năm 2019: đệ trình Chương trình thăm dò và khai phá Mặt trăng lên Hội đồng An ninh Nga để thông qua. Tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos công bố đấu thầu để chọn nhà thầu chuẩn bị thực hiện chuyến bay có người lái lên Mặt trăng. Nhà thầu phải tiến hành nghiên cứu ứng dụng tất cả các vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện các chuyến bay có người lái lên Mặt trăng, hoàn thành các khâu công nghệ then chốt, bao gồm bảo đảm điều kiện cho các phi công vũ trụ sống và làm việc an toàn trên quỹ đạo Mặt trăng và trên bề mặt Mặt trăng.
Hoàn tất các phương án cung cấp điện cho căn cứ thường trực có người ở trên Mặt trăng và cách sử dụng công nghệ in 3D trên Mặt trăng.
Năm 2020: chính thức tuyên bố Nga không có chủ trương chạy đua khám phá Mặt trăng.
Năm 2021: hoàn thành nguyên mẫu trạm tự động Lunokhod-Geologist thăm dò khoáng sản và kim loại quý trên bề mặt Mặt trăng. Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ mang tên Yu. A. Gagarin tập trung hoàn thành các công trình nghiên cứu liên quan đến các chuyến bay của con người trên quỹ đạo gần Trái đất; hoàn thành công trình chế tạo một loại vật liệu polymer nhiều lớp bao gồm hỗn hợp carbon để bảo vệ các phi công vũ trụ chống lại tác động của bức xạ vũ trụ.
Trong tháng 10-2021, nhà du hành vũ trụ Nga Anton Shkaplerov bắt đầu thử nghiệm vật liệu bảo vệ chống bức xạ trong hơn 6 tháng.
Năm 2022: Nga công bố chương trình hợp tác quốc tế với tất cả các quốc gia có tiềm năng nghiên cứu và phám phá Mặt trăng.
Năm 2023: các chuyên gia thuộc Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ mang tên Yu. A. Gagarin bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu hệ thống trang thiết bị dùng cho các phi công vũ trụ hoạt động dài ngày trên Mặt trăng. Ngày 11/8/2023, hoàn thành xây dựng và phóng lên quỹ đạo Trạm tự động thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Liên bang Nga Luna-25. Theo dự kiến, Luna-25 sẽ đổ bộ lên Mặt trăng vào ngày 21/8/2023 xuống cực Nam của Mặt trăng và tìm kiếm nước đóng băng.
Ngày 19-8-2023, trong quá trình chuyển sang quỹ đạo hạ cánh đã xảy ra tình huống khẩn cấp và Luna-25 mất liên lạc với Trung tâm điều khiển trên Trái đất. Ngày 25/8/2023, Giám đốc Tập đoàn Roskomos Yuri Borisov cho biết, Nga sẽ tiếp tục chuyến bay của trạm tự động thăm dò Mặt trăng. Theo kế hoạch, Nga sẽ phóng trạm tự động Luna-26 vào năm 2027, Luna-27 vào năm 2028 và Luna-28 vào năm 2030.
Hợp tác quốc tế của Nga với các nước
Nga từng hợp tác với Mỹ và các nước châu Âu trong các dự án thám hiểm Mặt trăng và xây dựng trạm vũ trụ quốc tế ISS. Với Trung Quốc, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, Trung Quốc là đối tác chủ yếu của Nga trong dự án xây dựng trạm khoa học trên Mặt trăng và Trạm quỹ đạo của Nga. Tháng 11/2017, Tập đoàn Roscosmos của Nga và Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) ký kết Chương trình hợp tác vũ trụ trong giai đoạn 2018-2022, bao gồm nghiên cứu Mặt trăng và không gian vũ trụ. Lãnh đạo CNSA cho biết, thăm dò Mặt trăng là một trong những lĩnh vực hợp tác chính của Nga và Trung Quốc.
Đến nay, CNSA đã hoàn thành kế hoạch hợp tác với Roscosmos trong việc hoàn tất sứ mệnh của Luna-26 của Nga và đưa tàu thăm dò của Trung Quốc hạ cánh xuống cực Nam Mặt trăng. Năm 2019, Nga và Trung Quốc hoàn tất thỏa thuận giữa Roscosmos và CNSA về hợp tác xây dựng ngân hàng dữ liệu chung về khám Mặt trăng và không gian vũ trụ. Ngân hàng dữ liệu này thu thập tất cả thông tin về Mặt trăng từ các kết quả nghiên cứu của Liên Xô trước đây, của Nga và Trung Quốc, và từ các nguồn mở của các quốc gia khác. Chỉ các nhà khoa học của Nga và Trung Quốc mới có quyền truy cập ngân hàng dữ liệu này.
Một trong những công trình hợp tác quốc tế tiêu biểu của Nga với các nước là ISS. Năm 1993, Nga đề xuất hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Canada và 9 quốc gia châu Âu trong việc thiết kế, phát triển, vận hành và sử dụng ISS với chức năng là phòng thí nghiệm hoạt động lâu dài trên quỹ đạo. Năm 1996, cấu hình của ISS được phê chuẩn có sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và một số nước. Năm 1998, Nga phóng thành phần đầu tiên mô-đun điều khiển Zarya (Bình minh) của ISS từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Mô-đun Zarya cung cấp năng lượng và là nơi cập bến cho tàu chở hàng Soyuz và Progress của Nga. Năm 2000, tàu vận tải Soyuz ÒÌ-31 đưa lên trạm ISS nhóm phi công vũ trụ đầu tiên, gồm phi công vũ trụ của Mỹ Bill Shepherd và 2 phi công vũ trụ của Nga Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev.
Trạm vũ trụ ISS liên tục có người ở trong suốt 22 năm để tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực và thử nghiệm công nghệ cho các chuyến bay lên Mặt trăng và sao Hỏa. Ngày 15/9/2023, tàu vũ trụ có người lái Soyuz MS-24 được Nga phóng từ Sân bay vũ trụ Baikonur mang theo 2 phi công vũ trụ của Nga Oleg Kononenko và Nikolai Chub và phi công Mỹ Loral O'Hara. Theo tuyên bố mới nhất của lãnh đạo Roscosmos, Nga sẽ rút khỏi ISS vào năm 2028 và tập trung xây dựng trạm quỹ đạo của riêng, có khả năng bao quát toàn bộ lãnh thổ Nga./.